hưởng của phương Tây nên trọng thực dụng và khảo cứu.
Phùng Hữu Lan có sáng kiến tổng hợp lại mà chia ra làm hai thời đại chính
và lấy đời các triết gia – chứ không phải đời các vua chúa – làm bông tiêu:
- Thời đại Tử học, từ đời Xuân Thu cho tới đời Hán Vũ Đế (khoảng giữa
thế kỷ thứ II trước tây lịch).
- Thời đại Kinh học, từ Đổng Trọng Thư đến Khang Hữu Vi (khoảng đầu
thế kỷ XX).
Ông gọi thời trên là Tử học là vì hầu hết các chư tử (tức các triết gia) đều
sáng lập ra một học thuyết, tác phẩm của họ đều thành những kinh, tịch để
đời sau nghiên cứu. Thời dưới gọi là Kinh học vì các triết gia tuy đôi khi có
sáng kiến, nhưng tựu trung vẫn là theo các kinh của đời trước mà phát huy
thêm thôi, họ không phải là môn đồ xa của Khổng học thì cũng là của Lão
học, Trang học. Ngay những nhà thiên về Phật học, cũng dựa vào kinh Phật
mà bàn thêm, chứ không lập được một học thuyết nào hoàn toàn mới, khác
hẳn học thuyết đời cổ.
So sánh với triết học phương Tây thì thời đại Tử học tức là thời đại Thượng
cổ; còn thời đại Kinh học gồm cả hai thời Trung cổ và Cận cổ. Ở châu Âu,
Ki tô giáo cống hiến cho triết học một vũ trụ quan, một nhân sinh quan
mới, làm thay đổi hẳn đời sống của các dân tộc; rồi từ thế kỷ thứ XVII,
khoa học thực nghiệm bắt đầu có cơ sở, ảnh hưởng mỗi ngày một tăng, gần
như chi phối cả vật chất lẫn tinh thần của con người; ở Trung Hoa, trái lại,
từ Hán đến cuối Thanh, gần như không có một sự biến chuyển gì cả: các
triều đại kế tiếp nhau thịnh rồi suy, các rợ phương Bắc và phương Tây vào
chiếm đất rồi bị đồng hoá, ngay như đạo Phật cũng không gây được một
cuộc cách mạng nào trong tư tưởng cả, thành thử trong hai ngàn năm, xã
hội Trung Hoa như một mặt biển lặng, chỉ hơi gợn chứ không thành sóng,
mà chủ trương trên kia của Phùng Hữu Lan xem ra rất có lý.