Gọi điện, Hồ Bằng nói chuyện rất thoải mái. Anh còn nói chuyện với
Vân Tài một lúc lâu, hỏi thăm tình hình gần đây. Chị nói gần đây rất tốt,
Tiểu Mãn cũng khá lắm. Hồ Bằng thở dài, bảo sau khi li hôn công việc cơ
quan và gia đình đều không ổn, giống như bán bò tậu ễnh ương, cuộc sống
đâm lắm chuyện. Anh hỏi, có thật tin Tiểu Mãn sẽ đối xử tốt với thằng con.
Vân Tài liền nói với anh về thái độ của thằng Hâm đối với Tiểu Mãn. Hồ
Bằng nghe và cười sự ấu trĩ của Vân Tài, bảo Oánh Oánh lúc đầu cũng vậy,
nói nghe hay như hát. Chưa đầy một tuần, thằng Hâm có vấn đề, ngày nào
Oánh Oánh cũng kêu ca, phàn nàn ngay trước mặt nó, bảo thằng Hâm
không vâng lời, nhìn chị bằng cặp mắt thù địch. Cuối cùng, nó phải về với
bà nội mới yên, không còn chuyện gì nữa.
Hồ Bằng nói đủ thứ chuyện với Vân Tài, buổi tối chị hỏi Tiểu Mãn, có
thật anh muốn đón thằng Hâm về đây. Tiểu Mãn phiền lòng vì chuyện này,
cho rằng Vân Tài không tin anh, bảo mình là người thẳng thắn, nói là nói,
không có tâm địa nào khác.
Nói gì thì nói, Vân Tài cảm động trước thái độ của Tiểu Mãn, chị muốn
đi đăng kí kết hôn với anh ngay.
3
Thoạt đầu, Vân Tài không thích những con người như Tiểu Mãn, cánh
nữ công nhân trong nhà máy bị phòng bảo vệ ghi tên đi muộn về sớm, ai
cũng chửi họ là đồ chó giữ nhà. Vân Tài làm cái việc thu nhận than, làm tay
chân cho người cân than, sự việc sau đó do Tiểu Mãn xử lý. Tiểu Mãn
không làm khó với chị, thậm chí còn quan tâm đến chị, trong chuyện này
chị rất cảm động, sau đấy, gặp anh ở đâu chị cũng gật đầu mỉm cười.
Vân Tài bị nhà máy bố trí làm công việc thu hồi bột giấy ở phân xưởng
xử lý nước, đó là một việc vất vả và bẩn thỉu, ngày nào cũng phải đi đôi
ủng cao su, kéo một xe bột giấy nặng. Trước đây, nhà máy thải nước đen ra
sông. Sau ngày nhà nước chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường, nhà máy
tìm biện pháp đối phó, thuê hồ nuôi cá ở nông thôn, đổ nước đen vào đấy
để bốc hơi tự nhiên, có cái tên gọi thật mĩ miều: “bể ô-xi hóa”. Mỗi năm
vào kì mưa lũ, nhà máy lại cho công nhân đến đấy để trông coi, đề phòng