Ông Phát thẳng thắn bày tỏ lo lắng cho Cát Hồng. Hồ Bằng đồng ý với
quan điểm của ông Phát, cho rằng Cát Hồng và Trương Hoàng là nạn nhân
của chuyện này, trong tình trạng tình cảm bị kích động đã làm những
chuyện quá khích, hậu quả khó lường, càng phải làm tốt công tác tư tưởng
đối với họ.
Ông Phát đưa cho Hồ Bằng một điếu thuốc, có thể để bầu không khí hòa
dịu, ông chuyển sang chuyện của Hồ Bằng, hỏi anh đã từng đi kiện bao giờ
chưa, kiện loại án nào nhiều. Hồ Bằng nói, ra tòa tham gia các vụ kiện như
cơm bữa, nhiều nhất là các vụ án hôn nhân, gia đình, tức là án li hôn. Anh
nói, li hôn bây giờ dễ như thay áo, li hôn có lý do, li hôn không lý do. Anh
đã từng tham gia hơn hai trăm vụ li hôn, khiến anh sợ nghề luật sư, anh
muốn làm luật sư ở các văn phòng tư vấn luật. Nạn nhân thật sự của các vụ
li hôn chính là con cái những cặp vợ chồng ấy, chúng sẽ trưởng thành
không lành mạnh trong những gia đình tan vỡ. Hồ Bằng kể ra mấy vụ điển
hình cho ông Phát nghe.
Hình như câu chuyện đi quá xa chủ đề, nhưng thật ra không phải vậy. Hồ
Bằng cảm thấy những vụ li hôn anh vừa kế đã làm cho ông Phát không yên
tâm, ông đứng dậy đi vào nhà trong một lúc. Hồ Bằng có phần sốt ruột, trời
đã tối, đã đến lúc phải ra về, nhưng câu chuyện vẫn chưa đi vào nội dung
thực chất, không đến nỗi ngày mai phải quay lại chứ? Nếu như vậy rất khó
nắm được tình hình, cái gọi là đêm dài lắm mộng.
Ông Phát đứng dậy, muốn nói chuyện khác: “Không nói nữa. Chúng ta
ăn cơm, uống với nhau vài chén”.
Nghe nói được mời ở lại ăn cơm, Hồ Bằng biết câu chuyện sẽ có cửa,
nhưng miệng vẫn từ chối: “Tại sao lại thế ạ? Cháu đến quấy rầy bác là quá
rồi, bác lại còn khách khí, cháu không biết nói sao. Hay là cháu mời bác
tìm một tiệm ăn nào đó?”
“Anh nói gì mà lạ vậy, lần đầu tiên đến thăm tôi, tôi cứ muốn có những
người bạn như anh. Anh là con người có tình có lý, rất hợp với tính tôi. Tôi
làm lãnh đạo mấy chục năm, nhìn người đâu có sai”.