nữa thì chị hỏi thẳng cái đồng hồ Omega kia đâu rồi. Hai cái đồng hồ thì
cái Hamilton không cần phải hỏi, gần đây anh đem ra dùng. Chắc chắn cái
Omega không đem cho Hà Thụy, vậy ở đâu? Oánh Oánh nghĩ, phải trả lại
cho Xuyên Thanh hai cái đồng hồ ấy, nếu sự việc bị bại lộ sẽ ảnh hưởng
đến Hà Thụy, làm anh vô cớ liên lụy. Cả họ chỉ có một mình Hà Thụy làm
quan to, lên được vị trí ấy không dễ chút nào. Hà Thụy cũng rất quan tâm
đến bà chị họ, chị cũng không muốn làm hại đến Hà Thụy.
Oánh Oánh biết, Hồ Bằng có chết cũng không nhận có chuyện ấy, nếu
nhận chẳng hóa ra anh tự lột mặt nạ. Lòng Oánh Oánh thật mâu thuẫn,
không biết phải thế nào.
Trong lúc chưa biết phải thế nào, chị đưa ra chiêu “lừa hơn la”, chị nói
với Hồ Bằng: “Oánh biết Bằng thích đồng hồ tốt, Oánh mua cho bằng cái
Rolex ba chục nghìn, còn hơn cả Omega”.
Không ngờ Hồ Bằng nói không cần. Oánh Oánh lấy làm lạ, hỏi tại sao?
Hồ Bằng nói: “Nếu Oánh định bỏ ra nhiều tiền như vậy thà rằng để Bằng
bán cái mô-tô Toyota, bán xe thêm tiền đồng hồ sẽ có bốn năm chục nghìn,
có thể mua được cái xe cũ. Bằng có bằng lái hai ba năm nay nhưng vẫn
chưa được đụng vào xe của mình”.
Oánh Oánh tức lắm, không ngờ Hồ Bằng không nhượng bộ, không nhận
ra lý lẽ phải trái. Chị nói rõ hơn, hỏi Hồ Bằng: “Anh Thanh nhờ Bằng biếu
đồng hồ cho cậu Thụy, bằng đã đưa cho cậu Thụy chưa? Chưa đưa thì đừng
đưa nữa, đừng làm hại người khác bằng việc phạm kỉ luật”.
Hồ Bằng nói dối không chớp mắt, anh ta bảo đưa rồi, lần trước lên tỉnh
biếu trứng đưa luôn đồng hồ. Anh bảo Oánh Oánh có thể hỏi để xác nhận
sự việc này.
“Bằng không nói với Oánh, vì việc này càng ít người biết càng tốt, như
vậy cũng là có trách nhiệm với cậu Thụy”. Giải thích của Hồ Bằng cũng
hợp tình hợp lý.
Oánh Oánh chợt nóng tiết, ngực như nghẹt thở. Không còn cách nào
khác, chị chỉ thẳng vào Hồ Bằng: “Được! Được lắm!”