cơn hoạn nạn. Nếu không có sự ủng hộ của công nhân thì Vân Tài cũng đổ
từ lâu rồi.
2
Sau hỏa hoạn, vì việc Hồ Bằng bỏ trốn, Trung tâm thời trang nổi sóng,
cảnh ngộ của Tiểu Mãn được các chủ xưởng may đồng tình.
Tiểu Mãn bị thương trong khi cứu hỏa tại Trung tâm thời trang, nếu
không vì cứu tài sản của người khác, anh không đến nỗi phải nằm viện,
cũng không đến nỗi bị mất da trên cơ thể, mặt không bị biến dạng. Cát
Hồng biết có nhiều người muốn bày tỏ tấm lòng với Tiểu Mãn, muốn tổ
chức lạc quyên giúp đỡ Tiểu Mãn.
Sau khi đóng cửa phòng chơi bài, những ông chủ thích chơi mạt chược
trong Trung tâm thời trang đều có ý kiến với Cát Hồng, làm ăn của chị
cũng bị ảnh hưởng, nhà ăn vắng khách nhiều. Dần dần mọi người cũng hiểu
được chị. Trước kia Cát Hồng dựa vào Xuyên Thanh, những mong vợ
chồng vinh hoa phú quí, Xuyên Thanh bị bệnh thần kinh, Cát Hồng gần
như trở thành người khác. Chị nắm lấy bãi đỗ xe và gia đình, một mặt chú ý
đến làm ăn ở bãi đỗ xe, mặt khác chăm sóc chồng ốm đau. Tính tình Cát
Hồng có phần khác đi, nhưng trong cốt tủy vẫn cởi mở nghĩa hiệp, thường
xuyên giúp đỡ người khác, thích làm việc thiện, được mọi người khen ngợi.
Bởi lòng dạ ngay thật, nhanh mồm nhanh miệng, nói năng thẳng thắn mọi
việc lớn nhỏ trong Trung tâm thời trang, ra vào đồn công an hoặc đến tòa
án chỉ một mình chị, chị trở thành ủy viên hội đồng hòa giải dân sự.
Buổi tối cuối tuần, Cát Hồng làm mười mâm cỗ, mời các vị chủ xưởng
trong Trung tâm thời trang. Người đến đông hơn dự kiến, không những
người của các xưởng may, một số người của khu thương mại cũng đến dự.
Có người đến không ăn, trao tiền quyên góp rồi về. Tiền quyên góp hoặc
nhiều hoặc ít, nhiều hai ba nghìn, ít không dưới hai trăm.
Cát Hồng chúc rượu, nói với mọi người khó khăn của Vân Tài và Tiểu
Mãn. Người được chúc rượu đều nhận góp một khoản nào đó, tưởng như đã
được bàn bạc kĩ, mỗi vị bỏ ra một nghìn đồng. Hữu Ngư ngồi kia, anh im
lặng, không nói chuyện với người ngồi bên cạnh, không ai nhận đóng góp.