H.2.11. Quan tài hình thuyền ở núi Vũ Di (P.Kiến). [tư liệu điền dã 2008].
Hình thức huyền táng xuất hiện rải rác ở các vùng đồi núi, đặc biệt là các địa
phương có dòng sông, con suối vắt ngang qua các ngọn núi đá. Người ta đặt
một đầu quan tài vào hốc đá dựng đứng, đầu còn lại hướng ra ngoài trời, hoặc
đặt toàn bộ vào hốc núi ở vị trí hiểm trở nhất. Người Mân Việt ở vùng Vũ Di
Sơn (Mân-Đài) và Quỳ Việt ở Tứ Xuyên coi trọng hình thức này [tư liệu điền
dã 2008].
c. Trong phong tục đời sống, tiêu biểu có thể kể đến các phong tục cắt tóc,
xăm mình, nhuộm răng, một số nơi có thêm tục nhổ răng.
Người Bách Việt xưa vốn nổi tiếng “cắt tóc xăm mình”. Theo cuốn Thủy
Kinh Chú thì mục đích “cắt tóc xăm mình” là để xuống nước tránh giao long
làm hại, trong khi cuốn Lĩnh Nam Chích Quái giải thích “cắt tóc ngắn để đi
rừng cho khỏi vướng”. Tượng người Đào Thịnh (Yên Bái, thời Đông Sơn) để
tóc cắt ngắn; hình tượng nhân vật tóc cắt ngắn trên trống đồng Ngọc Lũ,
Hoàng Hạ v.v. là các thí dụ.
Tuy nhiên, các phát hiện tại Thanh Viễn, Quảng Châu, Thạch Hiệp (Quảng
Đông), Quý Huyện, Tây Lâm (Quảng Tây) và Hồng Kông cho thấy người Việt
xưa từng có tục búi tóc. Tượng người ở Việt Khê (Việt Nam) cũng tương tự.
Một số trường hợp phát hiện ở di chỉ Đông Sơn còn cho thấy nam giới còn chít
thêm một chiếc khăn dài và hẹp quanh trán, thả nút phía sau. Có nơi phụ nữ tết
tóc lên cao trên đầu, tết tóc thành bím, thành dạng củ hành (đặc biệt là dân
Đông Sơn), cũng có nơi quấn ở phía sau. Ví dụ, đó là tượng người phụ nữ tết
tóc thả sau trên cán dao găm Thủy Nguyên, tượng người thổi kèn búi cuốn tóc
sau gáy trên cán muôi đồng Việt Khê, hình người buộc tóc đuôi gà trên trống
Miếu Môn v.v..