những món đặc biệt. Cơm lam, cơm gói lá sen là các đặc sản ẩm thực cổ nay
còn tồn tại trong văn hóa một số dân tộc như Việt, Choang, Thái, Mường, và
một số hệ dân Hán Hoa Nam như Khách Gia, Triều Châu, Quảng Phủ v.v..
Trong thành phần bữa ăn của người Việt xưa, quan trọng nhất là cơm gạo.
Ngoài ra còn phải kể đến các loại lương thực, rau quả đặc trưng khác trong
vùng như ngũ cốc, đậu, kê, mạch, bo bo, bột cây báng, rau, khoai, trái cây, dưa
hấu v.v.. Các sự tích Dưa hấu Mai An Tiêm ở Việt Nam, thần thoại Hồ lô cứu
sinh rải rác khắp Lĩnh Nam phần nào phản ánh diện mạo nghề trồng trọt ngày
trước.
Cuốn Hậu Hán Thư có ghi chép vùng Giao Chỉ trồng được loại bo bo hạt rất
to. Khi Mã Viện chiếm đất này đã rất thích loại bo bo vì ăn vào có thể tăng
cường sức khỏe. Còn cuốn Nam Phương Thảo Mộc Trạng ghi chép rằng loại
đậu phộng trồng ở đất Giao Chỉ có chất lượng rất cao [Vương Văn Quang..
2007: 118-121].
Với điều kiện địa lý, khí hậu vùng á nhiệt đới và nhiệt đới, vùng Lĩnh Nam
sớm nổi tiếng với nhiều sản vật độc đáo như vải, nhãn, dương mai, tỳ bà, bưởi,
cam, quýt, ngân hạnh, chuối, dừa, đu đủ, dưa hấu, mía, lê, sơn trà, dương đào,
trám, v.v. được ghi chép rất nhiều trong các cuốn địa phương chí hay dã sử
.
Sau cơm, rau là cá, thịt. Đánh bắt cá đã sớm trở thành một hoạt động quan
trọng trong ở toàn vùng Lĩnh Nam. Người Nam Việt xưa rất nổi tiếng với nghề
đóng thuyền đi biển sắn bắt cá biển và trao đổi hàng hải. Tục xăm mình “cho
giống giao long” mỗi khi xuống nước đánh bắt cá của người Lạc Việt xưa cũng
phản ánh chất sông nước trong văn hóa ẩm thực. Hình ảnh cá khắc trên gốm
Gò Chiền, đúc tạc trên trống đồng, thố đồng, muôi đồng Đông Sơn, tục thờ cá
ở đền Chử Đồng Tử, tục tế thần Tản Viên bằng cá nướng, hình ảnh con cá và
người đi câu trong lễ hội Trám ở Tứ Xã (Vĩnh Phú) v.v. có thể được coi là các
dấu hiệu sống động của vai trò các loài thủy-hải sản trong cơ cấu bữa ăn của cư
dân Tây Lạc Việt. Ngay khi quá trình đồng hóa của người Hán đã sắp thành
công, một lực lượng dân Việt đáng kể phải tìm kế sinh nhai trên những chiếc
thuyền đánh bắt cá được gọi chung là Đản gia.