H.2.35. Thuyền gốm người Việt (đời Hán) khai quật ở Quảng Châu [blog.sina.com.cn]
Vùng Lĩnh Nam còn nổi tiếng với các loại thuyền độc mộc (theo Lĩnh Ngoại
Đại Đáp). Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy vết tích con thuyền độc mộc dài
5 mét ở Ngũ Thái (Bắc Ninh) [Chử Văn Tần 2003: 963]. Bè trúc được sử dụng
phổ biến ở những đoạn sông nhỏ, mực nước nông, đặc biệt là ở tiểu vùng Âu
Việt núi non hiểm trở. Hiện tại, vùng Hoa Nam vẫn tôn thờ các vị hải thần, như
Ma Tổ, Trương Đại Đế.., cho thấy tầm quan trọng của nghề đi biển trong di
sản văn hóa Lĩnh Nam.
Khi di chuyển trên mặt đất, cư dân Lĩnh Nam đã thể hiện sự lựa chọn tối ưu
của mình khi chọn các hình thức dùng voi, trâu để vận chuyển, giao thông và
thậm chí kể cả để kéo cày làm đất, giẫm đạp ruộng thụt v.v..
2.4.4. Văn hóa kiến trúc
Làm nông nghiệp lúa nước thì phải định cư, vì thế ngôi nhà trở nên rất đỗi
thân thuộc và quan trọng. Ngôi nhà sàn là một sáng tạo độc đáo của cư dân
Đông Nam Á cổ nói chung, cư dân Bách Việt ở Lĩnh Nam nói riêng.
Người xưa từng có câu “Nam sào, Bắc huyệt (người phương Nam ở nhà sàn,
người phương Bắc ở nhà huyệt đất)”. Nhà sàn (chống ngập nước, thú rừng)
từng hiện diện rất phổ biến toàn vùng Lĩnh Nam, kể cả đồng bằng lẫn miền
núi. Hoa văn nhà sàn Đông Sơn trên mặt trống (hình 2.36), kiểu kiến trúc nhà
sàn các dân tộc ít người tại Lĩnh Nam (Choang, Thái v.v.) cho thấy điều này.