phản kháng sự xâm nhập của người Hán từ vùng Ngô Việt, đặc biệt là nước
Đông Âu ở nam Chiết Giang.
Các vùng phương ngữ Hán phương Nam và tiếng Choang [Lâm Úy Văn 2003]
Cả hai vùng đều trải qua quá trình Hán hóa, song đều giữ được cơ tầng văn
hóa Việt ở những mức đáng kể. Phương ngữ Mân và Quảng Đông trong tiếng
Hán vẫn giữ được cơ tầng Bách Việt ở mức cao (hình 2.40). Cụ thể, các
phương ngữ Mân Bắc (bắc Phúc Kiến), Mân Nam ở (nam Phúc Kiến và Đài
Loan), Triều Châu (đông bắc Quảng Đông), và Quảng Đông đều chứa từ 20
đến 30% thành phần tiếng Việt cổ [Mei Tsu-lin, Jerry Norman 1976].
c. Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong mối quan hệ với văn hóa vùng
Nhị Hồ
Nhị Hồ là vùng văn hóa Bách Việt ở khu vực hai hồ lớn là Động Đình và
Phàn Dương, nay thuộc các địa phận Hồ Bắc, Hồ Nam và Giang Tây Trung
Quốc. Do khu vực cả hai hồ này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành
và phát triển văn hóa Bách Việt trong vùng nên chúng tôi gọi đây là vùng Nhị
Hồ.