Tóm lại, do có sự cách trở của dãy Ngũ Lĩnh ở phía bắc nên Lĩnh Nam trở
nên “khá độc lập” với các vùng văn hóa Mân-Đài, Nhị Hồ, Ngô Việt. Các mối
quan hệ này tuy đã xuất hiện từ thời sơ khai (cùng nguồn gốc Bách Việt, sự
giao lưu cây lúa nước và kỹ thuật canh nông, hàng hải) song chủ yếu chỉ phát
triển mạnh khi áp lực Sở, Hoa Hạ – Hán từ phía bắc ngày càng lớn. Trong khi
đó Lĩnh Nam lại gắn bó mật thiết hơn với Vân-Quý do điều kiện tự nhiên và
quan hệ tộc người quy định. Có thể diễn đạt tóm tắt rằng quan hệ Lĩnh Nam –
Vân-Quý thiên về tự nhiên, trong khi giữa Lĩnh Nam với Mân-Đài, Nhị Hồ,
Ngô Việt thiên về lịch sử – xã hội.
2.5.2. Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong mối quan hệ với văn hóa các
khu vực còn lại của Đông Nam Á cổ
Tiếp tục lấy nguyên tắc gần – xa làm tiêu chí, tiểu mục này sẽ bàn về ba nội
dung, gồm mối quan hệ văn hóa Lĩnh Nam với vùng văn hóa Môn-Khmer
(khối Đông Nam Á lục địa) và với Nam Đảo (khối Đông Nam Á hải đảo). Tuy
nhiên, chúng tôi chỉ tập trung vào mối quan hệ với khối Môn-Khmer, trong khi
mối quan hệ với Nam Đảo và Australoid được trình bày ở phần Phụ lục.
Có nhiều thuyết khác nhau bàn về nguồn gốc chủng tộc và văn hóa cư dân
Môn- Khmer. Thứ nhất là thuyết bản địa của đông đảo các tác giả, nhất là giới
ngôn ngữ học và dân tộc học; thứ hai là thuyết nam thiên từ hai vùng Lĩnh
Nam và Vân-Quý của một số tác giả Trung Quốc; và thứ ba là thuyết Nam
Ấncủa một vài tác giả Campuchia. Mỗi thuyết đều có lập luận riêng, song được
nhiều tác giả ủng hộ nhất là thuyết bản địa.
Môn-Khmer là một nhóm cư dân nông nghiệp lúa nước hiện cư trú tập trung
ở khu vực trung và nam Đông Dương. Theo kết quả nghiên cứu ngôn ngữ học,
ngành Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Austro-asiatic, bao gồm hàng trăm ngôn ngữ
khác nhau, xếp thành ba khu vực (1) phía Bắc, bao gồm ba tiểu chi Khmu,
Palaung-Wa và Khasi, định cư chủ yếu ở vùng biên giới Việt-Trung; (2) phía
Đông với ba tiểu chi Khmer, Banar và Việt-Katu, phân bố rải rác ở hầu hết
miền trung và nam bán đảo Đông Dương; (3) phía Nam với ba tiểu chi Jahaic,
Senoic, Semelaic, chủ yếu phân bố ở bán đảo Malacca (Malaysia)
. Tiếng
Việt, tiếng Mường ở Việt Nam cũng được cho là có mối quan hệ mật thiết với
nhánh Môn-Khmer, nhất là bộ phận Môn- Khmer phía đông. Trên đại thể,