tiếp xúc Hoa Hạ thông qua vùng Nhị Hồ và Sở. Trong khảo cổ học, nhiều di
vật bằng sắt và đồng có nguồn gốc Trung Nguyên (như các loại nha chương)
tìm thấy rải rác khắp Lĩnh Nam (hình 2.44), qua đồng ở một số di chỉ ở Lưỡng
Quảng và Bắc Việt Nam (hình 2.45) và ngược lại nhiều đặc sản Lĩnh Nam từ
rất sớm đã có mặt ở Trung Nguyên, đặc biệt là nông sản, sừng tê, ngà voi, trân
châu v.v.. Theo Higham [1996: 134] vào cuối thiên niên kỷ III trCN, người
Lĩnh Nam bắt đầu làm quen với các loại ngọc xuất xứ từ phương Bắc. Số ít các
vật dụng bằng đồng cho thấy chúng được mang vào Lĩnh Nam từ Trung
Nguyên (thời Thương, Tây Chu) từ cuối thiên niên kỷ II trCN. Một số di vật
Hoa Hạ tìm thấy ở Việt Khê (niên đại IV trCN), dòng chữ Hán xuất hiện trên
trống đồng Cổ Loa 1 (niên đại tk. III, II trCN) cũng là những minh chứng đáng
kể.
Ngoài ra, thời nhà Tần-Hán lập quận huyện ở Lĩnh Nam, chính quyền Trung
Nguyên đã cử nhiều nhân sĩ gốc Bách Việt từ các vùng miền khác đến làm
quan cai trị (xem Bách Việt tiên hiền chí). Số nhân sĩ này tuy đã được Hán hóa,
song văn hóa Hán họ mang vào Lĩnh Nam không còn mang nguyên vẹn chất
Hoa Hạ-Hán.
H.2.44. Nha chương ở Nhị Lý Đầu (Hà Nam, Trung Quốc) [www.findart.com.cn]
H.2.45. Qua đồng [dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn]