văn minh nông nghiệp lúa nước và với mục đích cũng là phục vụ nền văn minh
này.
Trong văn hóa tổ chức đời sống tập thể, cư dân Bách Việt cổ vùng Lĩnh
Nam coi trọng lối sống làng xã nông thôn, trong đó lấy gia đình là đơn vị cơ
bản. Xuất phát từ các nhu cầu liên kết tạo sức mạnh tập thể để ứng phó với
những thách thức của tự nhiên và các nguy cơ từ môi trường xã hội, cư dân
Việt cổ đã dần dà phát triển các thị tộc. Khi sản xuất phát triển, sự phân hóa xã
hội ngày càng cao thì xuất hiện các mô hình liên minh bộ lạc, sau phát triển
thành các nhà nước. Tiểu vùng Tây Lạc Việt có tổ chức nhà nước sớm bước
vào giai đoạn hoàn thiện nhất, vào giữa thiên niên kỷ I trCN.
Trong văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, các phong tục tín ngưỡng phồn
thực, tín ngưỡng đa thần, thờ tổ tiên, thờ Mẫu, phong tục hôn nhân và phong
tục tang ma, các lễ hội nông nghiệp theo trục không gian và thời gian v.v.. hết
thảy đều gắn liền với các ước vọng phồn sinh, hòa bình và thịnh vượng đậm
chất văn minh lúa nước.
Trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, cư dân Bách Việt vùng Lĩnh
Nam lựa chọn các phương thức tối ưu để tận dụng tài nguyên xứ nóng, ẩm,
nhiều sông nước, thực vật, ngũ cốc phong phú nhằm xây dựng cho mình các
phong cách ứng xử riêng với tự nhiên, như ăn các thức ăn thiên về thực vật,
thủy hải sản, mặc trang phục làm từ chất liệu thực vật và phong cách phục
trang phù hợp lối sống nông nghiệp xứ nóng nhiều sông ngòi, ở nhà sàn và
giao thông chính bằng đường thủy.
Trong văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh
Nam có mối quan hệ nguồn gốc tộc người và văn hóa gần gũi mật thiết nhất
với vùng Vân-Quý, sau đến là Mân-Đài, Nhị Hồ và Ngô Việt. Mối quan hệ
giao lưu văn hóa với vùng Vân-Quý được tạo dựng từ môi trường tự nhiên,
trong khi các mối quan hệ giao lưu với các vùng còn lại được tăng cường dưới
áp lực thâm nhập và lấn át của văn hóa phương Bắc.
Đối với khu vực còn lại của Đông Nam Á cổ, văn hóa Lĩnh Nam có mối
quan hệ chặt chẽ với văn hóa cư dân Môn-Khmer. Sự giao lưu tộc người và
văn hóa đã diễn ra xuyên suốt lịch sử, trong đó một bộ phận Môn-Khmer hòa