CHƯƠNG 3: MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA
BÁCH VIỆT VÙNG LĨNH NAM VÀ VĂN HÓA
TRUYỀN THỐNG Ở VIỆT NAM
Theo quan niệm hiện nay, tổ tiên chung của một số dân tộc Việt Nam trong
đó có người Việt (Kinh) là Lạc Việt, vậy Lạc Việt là ai? Thành phần như thế
nào? Vị trí của Lạc Việt trong cộng đồng Bách Việt ra sao?
Công trình này không đặt tham vọng làm sáng tỏ một cách tổng thể các vấn
đề liên quan trực tiếp đến Lạc Việt và mối quan hệ lịch sử văn hóa Lạc Việt –
văn hóa truyền thống ở Việt Nam, mà chỉ bàn luận đến mối quan hệ hữu cơ về
mặt chủng tộc và văn hóa, tức nhấn mạnh ở mối quan hệ hơn nội hàm văn hóa.
Trong nội dung mối quan hệ văn hóa, chúng tôi chỉ giới hạn khảo sát chủ yếu
khảo sát trục không gian Lưỡng Quảng (Trung Quốc) và Bắc Bộ (Việt Nam).
Chính vì thế, trục tây bắc – đông nam theo dòng sông Hồng nối Vân-Quý
(Trung Quốc) với vùng Bắc Bộ (Việt Nam) tạm thời chưa được khai thác đúng
mức. Trên tinh thần ấy, chương 3 phân thành 2 mục, gồm 3.1. Văn hóa Lạc
Việt trong vùng Lĩnh Nam và 3.2. Từ văn hóa Lạc Việt đến văn hóa truyền
thống ở Việt Nam.
3.1. Văn hóa Lạc Việt như một bộ phận của văn hóa Lĩnh Nam
3.1.1. Văn hóa Lạc Việt nhìn theo không gian
Cư dân Lạc Việt cổ cư trú hoàn toàn trong phạm vi không gian văn hóa Lĩnh
Nam, do vậy việc khảo sát điều kiện môi sinh các tiểu vùng nội thuộc Lĩnh
Nam có ý nghĩa hết sức quan trong vì qua đó có thể xác định được các đặc
trưng cơ bản của kinh tế và văn hóa truyền thống theo điều kiện môi sinh.
Theo phân tích ở các chương trước, Lĩnh Nam mang trong mình kiểu loại
hình tự nhiên tổng hợp của các vùng Bách Việt gộp lại. Đến lượt mình, Lĩnh
Nam được phân thành bốn tiểu vùng, bao gồm (1) tiểu vùng Âu Việt: núi và
thung lũng ven sông ở phía tây bắc (Quảng Tây); (2) tiểu vùng Nam Việt: vùng
núi xen kẽ với đồng bằng ven biển ở phía đông bắc (Quảng Đông); (3) tiểu
vùng Đông Lạc Việt: dải đất ven biển, bán đảo và hải đảo phía đông nam