vẫn có thể tìm thấy rất nhiều minh chứng thể hiện sự giao thoa (interference)
Âu và Việt trong văn hóa, chẳng hạn các phong tục–tín ngưỡng dân gian (tục
cô dâu về nhà mẹ sau lễ cưới, tục bói gà, tục “phụ tử liên danh” v.v.); địa danh;
tổ chức làng bản v.v..
Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Hồng–sông Mã do tiếp giáp với Lâm Ấp nên
sự giao thoa tộc người và văn hóa với tiền dân Chăm là sự thật lịch sử. Theo
Đặng Nghiêm Vạn [2003: 264] cư dân Nam Đảo không ít lần đi thuyền từ cửa
biển vào định cư ở vùng đồng bằng, số này không ngừng hòa vào cộng đồng
bản xứ
. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh ít nhiều phảng phất dấu ấn
Nam Đảo.
Thêm vào đó, cổ sử Trung Hoa có ghi chép rất nhiều trường hợp người
“Tiểu Hắc Nhân” sinh sống vùng rừng núi xung quanh các quận Cửu Chân,
Nhật Nam (thời Hán) cho thấy một bộ phận cư dân Australoid vẫn đang trong
quá trình đồng hóa vào dòng Lạc Việt. Tác giả Phạm Đức Dương [2000: 74] có
dẫn trường hợp thành Cổ Loa thời Thục Phán có thể là phiên âm Hán của tên
sông Cà Lồ, vốn có nguồn gốc từ tiếng Nam Đảo là Kula, có nghĩa là cửa
sông. Chính vì có sự đóng góp của cư dân Australoid mà một vài tác giả Trung
Hoa vội xếp tổ tiên Việt Mường vào chủng Australoid.
Ở điều kiện lịch sử – xã hội, nhà nước Văn Lang đóng vai trò rất lớn vào
quá trình dung hòa đa sắc tộc trên nguyên tắc tự nguyện do “sức hút mạnh mẽ
của đồng bằng”
và tính đồng nhất của điều kiện môi sinh. Với chế độ phân
cấp Lạc hầu – Lạc tướng – Lạc dân, cư dân mới đến tuy không cùng nguồn gốc
song đều quy tụ dưới hệ thống luật tục Văn Lang, dần dà trở thành “Lạc dân”.
Chỉ có thời kì phát triển rực rỡ của giai đoạn Đông Sơn mới có đủ điều kiện để
hoàn thiện diện mạo Tân Lạc Việt. Thêm vào đó, các biến động lịch sử vùng
Ngô Việt, cụ thể là các sự kiện Việt diệt Ngô (tk. V trCN) rồi Sở diệt Việt (cuối
tk. IV trCN) v.v. góp phần đẩy một lượng lớn cư dân (có cả Tây Việt vùng Nhị
Hồ và Đông Việt các vùng Ngô Việt, Mân-Đài) liên tục tiến xuống Lĩnh Nam.
Thời điểm kết thúc của quá trình dung hợp ấy là sự xâm nhập của người Hán
(thời CN).