đồng bằng, dần dà tác động đến tầng lớp bình dân, làm xuất hiện ranh giới hai
khu vực đồng bằng và trung du. Văn hóa khu vực đồng bằng biến đổi dần theo
hướng chính thống hóa, trong khi khu vực trung du gìn giữ được nhiều sắc thái
mang tính cơ tầng thời tiền Bắc thuộc.
c. Thời kì phân lập văn hóa người Việt
Từ trung kì thời thuộc Đường, những ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ đã làm
thay đổi đáng kể diện mạo văn hóa cư dân Tân Lạc Việt miền xuôi: văn hóa
bác học hình thành, ngôn ngữ Hán được tiếp nhận nhiều hơn, chất Hán trong
thành phần tộc người cũng tăng lên, xã hội tiến dần theo trục phương Bắc v.v..
Sau quá trình hưng thịnh, nhà Đường trên đất Trung Hoa bước vào suy thoái
với các sự kiện Loạn An Sử (bắt đầu năm 755) và và kết thúc bằng sự kiện
Chu Ôn cướp ngôi (năm 907), mở ra thời Ngũ Đại Thập Quốc đầy biến loạn.
Trong suốt thời kì Đường trị, người Việt đồng bằng sông Hồng đã không ít
lần nổi dậy, từ khởi nghĩa Mai Thúc Loan
(đầu tk. VIII, theo Việt Điện U
Linh), khởi nghĩa Khúc Thừa Hạo–Khúc Thừa Mỹ (tk. X), khởi nghĩa Dương
Đình Nghệ (931-937). Tuy vậy, mãi đến cuộc khởi nghĩa Ngô Quyền (898–
944) năm 938 đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng mới được xem
như mốc kết thúc giai đoạn chống Bắc thuộc. Đến năm 966, vùng đồng bằng
Bắc Bộ diễn ra cục diện cát cứ của 12 sứ quân, mãi đến 968, Đinh Bộ Lĩnh
(924-979) dẹp loạn, lập nước Đại Cồ Việt.
Năm 979, Lê Hoàn (Lê Đại Hành, 941-1005) lên thay, song đến đời con là
Lê Ngọa Triều (986-1009) thì nhà Tiền Lê kết thúc. Lý Công Uẩn (974-1028)
lập ra nhà Lý. Từ đó, người Việt đồng bằng sông Hồng–sông Mã tái độc lập, tự
thân xây dựng quốc gia Đại Việt.
Quá trình phân lập văn hóa người Việt và người Mường diễn ra mạnh mẽ và
kết thúc bằng sự tồn tại khá độc lập của hai tộc người cùng hai truyền thống
văn hóa. Sự phân tách ấy diễn ra đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, từ ngôn ngữ,
thành phần tộc người, phương thức sản xuất kinh tế cũng như tư tưởng xã hội.
Tiếng Mường được cho là “giữ được nhiều tính chất ngôn ngữ Việt Mường hồi
đầu công nguyên” [Đinh Gia Khánh 1993: 50]. Do sự phân bố dân cư mà cư
dân vùng đồi núi sơn cước bảo lưu được truyền thống Việt Mường chung, còn