nông nghiệp lúa nước cũng góp phần hun đúc nên diện mạo văn hóa Bách Việt
qua các bình diện ẩm thực, trang phục, giao thông và kiến trúc.
Trong ứng xử với môi trường xã hội, văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam sớm
tiếp xúc, giao lưu văn hóa với cả các cộng đồng trong và ngoài Bách Việt.
Trong cộng đồng Bách Việt, vùng văn hóa này có quan hệ mật thiết nhất với
vùng Vân- Đài do điều kiện tự nhiên liên thông và tính chất phức tạp của giao
lưu tộc người và văn hóa quy định. Sau Vân-Quý là Mân-Đài, vùng văn hóa
được xem như “trạm giao lưu”, “trạm trung chuyển” quan trọng giữa hai khu
vực Dương Tử, Lĩnh Nam. Nhị Hồ và Ngô Việt là hai vùng có đóng góp nhất
định trong văn hóa Lĩnh Nam, trong đó văn hóa Bách Việt ở Nhị Hồ truyền bá
trực tiếp vào Lĩnh Nam (nhất là từ khi văn hóa Sở dần lớn mạnh), còn văn hóa
Ngô Việt du nhập gián tiếp vào Lĩnh Nam qua “trạm trung chuyển” Mân-Đài.
Trong quan hệ với văn hóa cư dân Môn- Khmer miền trung và nam Đông
Dương và văn hóa Nam Đảo miền hải đảo, văn hóa Lĩnh Nam tiếp nhận chủ
yếu là thành phần tộc người, ngôn ngữ hơn là văn hóa. Ngược lại, dù không
cùng nguồn gốc tộc người và văn hóa, song văn hóa Hoa Hạ – Hán có ảnh
hưởng mạnh mẽ tới Lĩnh Nam. Quá trình lịch sử – xã hội của vùng văn hóa
này từ cuối thời đồ đồng trở đi luôn thể hiện xu hướng đấu tranh chống sự du
nhập và thay thế của văn hóa phương Bắc, song như một định mệnh lịch sử,
văn hóa Lĩnh Nam bị ảnh hưởng ở những tầng mức khác nhau tùy tiểu vùng,
cuối cùng diễn ra sự phân lập văn hóa truyền thống ở Việt Nam từ tk. X trở đi.
3. Đi từ văn hóa Lạc Việt vùng Lĩnh Nam đến văn hóa truyền thống ở Việt
Nam là một quá trình lịch sử lâu dài, gắn liền với sự hình thành và phát triển
của hai giai đoạn văn hóa Cổ Lạc Việt và Tân Lạc Việt.
Giai đoạn Cổ Lạc Việt bắt đầu từ sự dung hòa ba dòng tộc người và văn hóa
Tây Việt (Tày-Thái) từ vùng núi tây bắc sang, Đông Việt từ hạ lưu Dương Tử
xuống và cư dân nói ngôn ngữ Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á ở đồng bằng
sông Hồng cuối thời đồ đá mới đầu thời đồ đồng. Kết quả của sự dung hòa đó
là sự hình thành tộc Lạc Việt cùng dòng văn hóa nông nghiệp lúa nước định cư
xung quanh vịnh Hà Nội. Cư dân Cổ Lạc Việt là chủ nhân của các văn hóa Hạ
Long, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và sơ kì Đông Sơn.