CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam và mối quan hệ với văn hóa truyền thống
ở Việt Nam là một đề tài thuộc mảng nghiên cứu kết hợp địa văn hóa và sử văn
hóa. Cả hai góc nhìn này được đặt dưới lăng kính văn hóa so sánh.
1.1.1. Nghiên cứu từ góc nhìn đa văn hóa kết hợp với sử văn hóa
Hướng nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện theo hai góc nhìn, gồm địa
văn hóa và sử văn hóa, tức nghiên cứu kết hợp giữa trục tung và trục hoành (ở
chừng mực nhất định là nghiên cứu kết hợp đồng đại và lịch đại). Cả hai góc
nhìn này luôn được tuân theo nguyên lý tương đối luận văn hóa (cultural
relativism), không đồng thuận với quan điểm “dĩ Hoa vi trung” (Sinocentrism),
cũng như không rơi vào chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism).
a. Nghiên cứu vấn đề theo góc nhìn địa văn hóa
Ở góc nghiên cứu địa văn hóa, chúng tôi đi từ cách tiếp cận địa lý để bàn về
nguồn gốc hình thành, phát triển và lan tỏa văn hóa trong không gian địa lý,
quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của một hoặc vài nhóm tộc người thuộc
cùng một khu vực văn hóa hay giữa các khu vực văn hóa với nhau. Luận án
đặc biệt vận dụng các lý thuyết văn hóa vùng và liên quan đến văn hóa vùng,
tiêu biểu là lý thuyết vùng văn hóa, lý thuyết loại hình kinh tế – văn hóa và lý
thuyết sinh thái văn hóa.
Lý thuyết vùng văn hóa (cultural area) giúp nhận diện đặc trưng văn hóa của
con người trong quá trình lịch sử và trên một vùng không gian cụ thể, giúp
phân biệt văn hóa vùng này với vùng khác, qua so sánh sẽ tìm ra những nét
tương đồng (nét chung của vùng) và dị biệt (nét riêng của từng tiểu vùng,
nhóm tộc người). Trong nghiên cứu vùng văn hóa, tập hợp nhiều yếu tố mang
tính đặc trưng cho toàn vùng được chọn làm cơ sở để khảo sát. Trong số các
đặc trưng ấy, “típ đặc trưng cho vùng” [Ngô Đức Thịnh 2004] là hạt nhân cơ
bản, góp phần tạo nên những sắc thái riêng cho vùng văn hóa. Nghiên cứu theo
hướng này, chúng ta có thể thấy được dấu ấn văn hóa của con người, các sắc
thái văn hóa đa dạng của các vùng, của các tộc người, quy luật hình thành và