IV. KẾT-LUẬN… HAY TỰ-LUẬN
Ba đoạn trên tôi viết trong ba trường hợp khác nhau, nhưng cái đề mục
thì vẫn là cái vấn đề định nghĩa chữ văn-hóa. Đoạn thứ nhất sau khi nói sơ
lược văn-hóa khác với văn-minh và với ý-thức-hệ thế nào, tôi đã nhấn mạnh
vào chỗ văn-hóa là biểu hiệu của tất cả phương diện sinh-hoạt, vật-chất và
tinh-thần để chỉ rõ khác nhau của sự hoạt-động văn-hóa và sự sinh-hoạt
thường là thế nào. Tôi lại nhân chỉ cái tính cách bị qui định của văn-hóa bởi
điều kiện sinh-hoạt để cuối cùng nói rằng sự hoạt-động văn-hóa không thể
không đi sát với cuộc sinh-hoạt thực-tế được.
Sau đó, tôi lại viết một đoạn giải thích chữ văn-hóa kỹ càng hơn kỳ
trước. Trong đoạn này, tôi bắt đầu chỉ-định văn-hóa là « cái lợi khí do tinh-
thần của người nhờ cần-lao và hợp-tác mà sáng-tạo ra để tranh đấu với
hoàn cảnh », rồi để chú giải quan niệm ấy một cách cụ thể hơn tôi nhắc lại
lai lịch của văn-hóa từ buổi nguyên-thủy cho đến ngày nay : buổi đầu là lợi
khí của người tạo ra để chống với tự-nhiên, đến khi xã-hội phân hóa thành
giai-cấp thì văn-hóa biến thành lợi khí của cuộc giai-cấp tranh-đấu. Song
một mặt thì ở trong thâm-để của người giai-cấp tung hoành trên xã-hội, vẫn
dấu kín cái dục vọng khao khát thiết tha sự giải phóng, chỉ chờ có cơ hội là
nổ bật ra. Một mặt khác thì ở tầng dưới, như một mạch nước ngấm ngầm
trong đất, vẫn chẩy hoài cái nguồn văn-hóa chung của loài người, mà những
văn-hóa giai-cấp ở trên xã-hội chỉ là những suối nước hiện lên trên mặt đất
mà thôi ; trong khi các văn-hóa giai-cấp đắp đổi nhau mà chiếm quyền bá
chủ trên xã-hội, thì cái mạch văn-hóa chung của người vẫn chẩy ngấm ngầm
ở trong các tầng lớp dân chúng để đến khi dân chúng hoàn toàn chiếm địa vị
chủ nhân ông trên xã-hội thì mạch nước ấy không bị cái gì ngăn trở nữa mà
sẽ chẩy tràn trề ra thành sông lớn biển rộng được.
Lại sau nữa, tôi tưởng chúng ta cần phải bàn luận một lần nữa để mong
đi đến chỗ nhận định rõ ràng hơn cái ý nghĩa của danh từ văn-hóa là cái
danh từ hiện nay người nào, lúc nào, chỗ nào cũng thấy nói đến mà thực ra