Ngày kia vợ chồng Địch Quảng ngồi nói chuyện đau buồn về gia cảnh,
Địch Quảng nói:
- Nay em và mẹ chúng ta đã từ trần, còn chúng ta thì triều đình còn trong
cơn giận, nay mai ắt cho người đến vấn tội, chi bằng từ quan, trở về quê
quán để an thân.
Mạnh phu nhân thưa:
- Biết lời nói ấy có thực hay không, chi bằng cho người về Tràng An dọ
thăm tin tức thế nào đã rồi sẽ tính.
Địch Quảng nói:
- Tràng An xa xôi lắm! Vừa đi vừa về phải mất vài mươi hôm. Nếu chẳng
may triều đình vãn tội thì toan liệu sao kịp. Thôi ta tính về quê thì cứ ra đi
cho an thân.
Lời bàn:
Những kẻ gian nịnh, xảo trá thì trong lòng lúc nào cũng tìm cách hại
người. Thù hận và ganh ghét luôn luôn là chỗ núp ở trong lòng kẻ gian
nịnh.
Lời nói của kẻ gian nịnh còn độc hơn gươm đao. Tôn Tú chỉ nói có một lời
mà giết chết bà Nhạc thị, một mẹ già quá thương yêu con gái mình.
Kẻ gian nịnh không có nhân tính nên không hề có lương tâm trước sự đau
khổ của kẻ khác, mà ác tâm thì lại rất độc hại. Lòng thương người không ở
trong lương tâm của kẻ độc ác, bởi vậy muốn xem xét một con người để
hiểu lương tâm họ thì chỉ cần xem hành động của họ trong dĩ vãng thì thấy
rõ.
Trong cuộc sống con người, chúng ta thường động chạm đến thế sự, và việc
cảnh nhân xử thế nếu không rõ được bản chất của từng con người thì có thể
rất dễ lầm lạc, gây tác hại không sao lường trước được.