đây sinh sự? Phải không? Được rồi. Để ta ra xem hắn...hắn là Cao Hàn hay
là Cố A Mông.
Vương Gia bước nhanh ra đại sảnh. Bấy giờ người khách lạ đang đứng
hướng mắt ra ngoài khung cửa sổ, tay chắp sau lưng. Chiếc áo dài màu lam
lịch sự. Đứng phía sau ông ta là một thanh niên to lớn.
Vương Gia vừa ra tới đã nghe tiếng người khách nói với gã hầu:
- A Đức này...Mi có thấy không. Mặc dù hoa văn trên cột kèo Di Thân
Vương phủ có phai nhạt đi nhưng tượng sư tử đá trước cửa vẫn uy nghi như
ngày cũ.
Vương Gia thấy tim đập mạnh. Giữa lúc đó bà Phước Tấn từ trong cũng
bước ra, bà buột miệng kêu:
- A Mông.
Cao Hàn giật mình quay lại. Tuy gương mặt A Mông không đổi nhưng
dáng dấp, cử chỉ lại hoàn toàn khác, vững vàng, lịch sự hơn. Đã có những
nếp nhăn năm tháng, mắt Cao Hàn vừa sắc, vừa lạnh. Cao Hàn chợt nhép
môi cười. Giọng nói có cái gì chua chát :
- A Mông à? Hình như ai mới gọi A Mông thì phải? Đúng rồi! Chín năm về
trước... Tôi cũng biết đến một người tên là A Mông...Hắn bị đày đi tận biên
cương...Trên đường đói khát bệnh tật. Hắn chết rồi. Cố A Mông chết thật
nhiều lần. Một lần trên đường đi đày. Một lần chui xuống mỏ than, hầm
sập, một lần...căm phẫn đánh nhau với lính canh. Đến lúc cách mạng đến,
quân nhà Thanh bị mất thế. Mỏ than bị giải tán thì cái tay Cổ A Mông kia
vì đói rét nên cũng bệnh hoạn trầm trọng...Hắn lưu lạc khắp miền Tây Bắc,
bị bọn lưu manh ở địa phương tấn công và Cố A Mông chết...chết ngay
trong lúc đó. Rồi Cao Hàn ưỡn ngực ra thở dài.
- Xin lỗi hai ông bà...Cái anh chàng Cố A Mông đó nhờ hai ông bà chiếu cố
nên nó đã chết hàng chục lần rồi. Bây giờ đứng trước mặt hai ông bà đây
không phải là Cố A Mông nữa mà là Cao Hàn.