bánh ngọt của vũ trụ, là những chiếc phao khiêm nhường trôi nổi trên đại
dương vũ trụ mênh mông của một thứ gì đó chừng như là hư vô.
Suốt nửa triệu năm đầu sau vụ nổ lớn, đơn thuần chỉ tương đương một
cái chớp mắt trong cú quét dài 14 tỉ năm của lịch sử vũ trụ, vật chất trong vũ
trụ đã bắt đầu hòa hợp thành những khối về sau sẽ trở thành cụm và siêu
cụm thiên hà. Nhưng vũ trụ còn tăng gấp đôi kích cỡ trong vòng nửa triệu
năm kế tiếp, và tiếp tục phát triển sau đó. Vũ trụ giãn nở giúp sáp nhập hai
hiệu ứng cạnh tranh nhau: lực hấp dẫn muốn làm mọi thứ đặc lại, nhưng vũ
trụ giãn nở thì muốn làm loãng mọi thứ ra. Nếu thử tính thì bạn sẽ nhanh
chóng suy luận rằng lực hấp dẫn từ vật chất thường không thể tự mình chiến
thắng trận chiến này. Nó cần vật chất tối ra tay tương trợ, nếu không chúng
ta sẽ phải sống – nói đúng hơn thì không sống – trong một vũ trụ phi cấu
trúc: không cụm, không thiên hà, không tinh tú, không hành tinh, không con
người. Nó cần bao nhiêu lực hấp dẫn từ vật chất tối? Gấp sáu lần lượng mà
vật chất thường cung cấp. Đúng bằng lượng mà ta đo được trong vũ trụ.
Cách phân tích này không nói cho ta biết vật chất tối là gì, chỉ là tác động
của vật chất tối có thật và rằng, dù cố đến đâu, bạn không thể quy tác động
đó cho vật chất thường.
Vậy nên vật chất tối là kẻ nửa bạn nửa thù của chúng ta. Ta không biết
tí gì về nó. Cảm giác có hơi bức bối. Nhưng ta tha thiết cần đến nó trong các
phép tính để đi đến sự miêu tả chính xác về vũ trụ. Thường thì nhà khoa học
không thoải mái lắm mỗi khi chúng ta phải tính toán dựa trên khái niệm ta
chưa hiểu rõ, nhưng nếu bắt buộc thì ta phải làm thôi. Mà vấn đề vật chất tối
không phải lần đầu tiên ta leo lên lưng cọp. Chẳng hạn, vào thế kỷ 19, chúng
ta đã quan sát các vì sao, thu được phổ của chúng, và phân loại chúng rất lâu
trước khi cơ học lượng tử xuất hiện vào thế kỷ 20, là thứ đem đến cho ta
hiểu biết bằng cách nào và tại sao mà các phổ lại hiện lên như vậy.
Những người luôn luôn hoài nghi có thể so sánh vật chất tối ngày nay
với giả thuyết về “ête”, một chất được đề ra trong thế kỷ 19 mà ngày nay đã
bị khai tử, nó trong suốt, không trọng lượng, lan tỏa khắp chân không của vũ
trụ, là chất trung gian cho ánh sáng đi qua. Mãi đến khi Albert Michelson và