Ritter phát hiện một dải ánh sáng bất khả kiến nữa. Nhưng thay vì dùng
nhiệt kế, Ritter rắc các nhúm bạc clorua nhạy sáng ở mỗi màu khả kiến cũng
như ở vùng tối cạnh phía tận cùng màu tím của quang phổ. Lẽ dĩ nhiên,
nhúm ở mảng không được chiếu sáng bị làm cháy đen nhiều hơn nhúm ở
mảng tím. Còn ngoài mảng tím thì sao? Chính là vùng “cực” tím, ngày nay
vẫn thường được gọi là UV.
Để trám vào toàn bộ phổ điện từ, xếp theo thứ tự từ năng lượng thấp
với tần số thấp cho đến năng lượng cao với tần số cao, ta có: sóng vô tuyến,
vi sóng, hồng ngoại, ánh sáng khả kiến (ROYBGIV), cực tím, tia X, tia
gamma. Nền văn minh hiện đại đã khéo léo tận dụng các dải phổ này cho vô
vàn ứng dụng trong công nghiệp và sinh hoạt gia đình, biến chúng thành
thân thuộc với tất cả chúng ta.
Sau khám phá tia cực tím và hồng ngoại, việc quan sát bầu trời chưa
thể thay đổi trong một sớm một chiều. Kính viễn vọng đầu tiên được thiết kế
để dò tìm những phần bất khả kiến trong phổ điện từ mãi đến 130 năm sau
mới được tạo dựng. Đấy là rất lâu sau khi người ta đã khám phá ra sóng
rađiô, tia X và tia gamma, cũng là rất lâu sau khi nhà vật lý học người Đức
Heinrich Hertz chứng minh rằng điểm duy nhất thật sự khác biệt giữa các
loại ánh sáng là tần số sóng trong mỗi dải. Trên thực tế, phải kể công Hertz
đã nhận ra là có một phổ điện từ. Để nhớ ơn ông, đơn vị đo tần số - tính
bằng số sóng trên giây - cho bất cứ thứ gì rung động, kể cả âm thanh, được
gọi là hertz.
Bí ẩn thay, các nhà vật lý thiên văn mất kha khá thời gian mới có thể
liên hệ các dải ánh sáng bất khả kiến mới được tìm ra với việc xây kính viễn
vọng nhìn được các dải ấy từ các nguồn trong vũ trụ. Vấn đề ở đây hẳn
nhiên là trở ngại về mặt kỹ thuật dò tìm. Nhưng còn phải trách thói tự kiêu
của con người: có đời nào vũ trụ lại gửi đến ta thứ ánh sáng mà đôi mắt
tuyệt trần của ta không hề nhìn thấy? Trong hơn ba thế kỷ - từ thời Galileo
cho đến Edwin Hubble - việc xây dựng kính viễn vọng chỉ mang một ý
nghĩa duy nhất: làm ra dụng cụ để bắt lấy ánh sáng khả kiến, giúp nâng cao
thị lực bẩm sinh của chúng ta.