&
Buổi tối chỉ còn lại tôi và Quỳnh. Một chút trăng non. Một chút gió sông.
Một lít rượu gạo. Và một con cá lóc nướng rơm.
Thời gian đọng lại trong một khoảng không sáng đục, được định vị bởi một
vòm trời có tàng cây đen viền xung quanh, và một mặt đất cằn khô, lởm
chởm, trải lên manh chiếu rách.
Quá khứ đang chảy về cái thung lũng phi thời gian ấy. Nó như một cái “lỗ
đen” hút tất cả mọi hoài niệm, mọi buồn vui, gian khổ và tủi nhục vào cái
cay nồng đắng nghét của ly rượu gạo đục ngầu nơi bưng biền nước nổi.
Tôi hỏi:
-Đã mười mấy năm rồi sao Mỹ nó không bốc mày đi theo diện H.O?
-Lúc giải phóng vô, với lon đại úy chắc chắn tao phải đi cải tạo mười năm.
Ai dè vô trại cải tạo mới hai tuần thì lù lù một ông cán bộ đến lãnh về. Đó
là cậu vợ, mới được cử về làm bí thư xã. Tưởng đó là điều may, không ngờ
là xui xẻo. Bạn bè cùng khóa sĩ quan với tao đứa nào cũng được đi Mỹ theo
diện H.O, chỉ có tao là bị Mỹ từ chối.
-Vì sao?
-Vì Mỹ nó chỉ nhận những thằng cải tạo từ ba năm trở lên. Tao đi cải tạo có
hai tuần. Cho nên phải cày ruộng mười năm nay.
-Còn chuyện không dám về quê là vì sao?
-Vì một món nợ máu.
-Nợ máu gì vậy?
-Hồi đó đại đội tao đóng trên một ngọn đồi thấp. Việt cộng bao vây ngay
đêm giao thừa. Tụi nó cũng chừng một đại đội, nhưng đủ quân số. Còn đại
đội của tao chỉ có tao, một thằng trung sĩ giữ kho đạn và chín thằng lính.
Mày thử tưởng tượng cả đại đội chỉ còn 11 thằng. Số còn lại đều trốn về
nhà ăn Tết.
Quét đèn pha qua một lượt, thấy vi-xi nằm đen kịt, trang bị B40, AK 47.
Tụi lính của tao run lập cập. Có đứa khóc mếu máo: Đại úy ơi, phen này
chắc chết hết.