Theo tin đồn thì ông thuộc dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn, một trong
những đứa cháu của vua Đồng Khánh. Nhưng về sau này, khi đất nước
thống nhất, trong tư dinh của ông lại treo ảnh vua Hàm Nghi, em ruột Đồng
Khánh, vì Hàm Nghi chống Pháp còn Đồng Khánh thì thân Pháp.
Chính vì chuyện đồn đại ấy mà khi còn ở trong rừng mọi người đều gọi ông
là “vương gia”.
Ít ai được thấy mặt vương gia. Ông như cái bóng chập chờn sau tấm vách
nylon mờ đục. Rừng thì đen kịt, ngửa bàn tay không thấy, nhưng trong căn
lều của ông, ngọn đèn dầu vẫn in rõ cái bóng lên vách. Ông đi lại. Ông
nghe đài. Ông đọc báo cáo. Ông uống trà. Và ông chờ tôi.
Lúc ấy tôi đang ở mé rừng. Trời mới chạng vạng. Giao liên bàn giao tôi cho
người dẫn đường.
Đó là một người đàn ông lạnh lùng, Một chiếc quần kaki sờn rách. Áo bà
ba đen và một cái khăn rằn quấn quanh cổ. Khẩu AK mang sau lưng, mũi
súng chĩa xuống đất. Anh ta ngồi đợi trên doi đất nhỏ cạnh mé nước.
-Chào đồng chí, tôi nói. Nhưng anh ta làm thinh, ra hiệu cho tôi đi theo.
Hai người băng qua những vườn xoài thấp. Trong bóng tối, lối mòn châu
thổ vẫn ánh lên một màu trắng đục vì thế chúng tôi đi khá nhanh. Tới một
cái chốt kiểm soát, người dẫn đường nói mật khẩu rồi đi qua cây cầu khỉ.
Thấy người đàn ông lầm lí quá, tôi bắt chuyện:
-Đồng chí là người ở đây?
-Không. Tôi là bắc kỳ.
-A, bộ đội?
-Không phải bộ đội. Bắc kỳ di cư.
Câu trả lời lạ quá làm tôi không dám hỏi nữa. Đột nhiên có tiếng động cơ
rất lớn từ sông cái tràn vô. Người dẫn đường ra hiệu dừng lại, nghe ngóng.
Tiếp theo là tiếng loa phóng thanh vang trên mặt sông:
-Hỡi các cán binh cộng sản. Các anh đã bị bao vây. Quân lực Việt Nam
Cộng Hòa sắp tấn công càn quét khu căn cứ này. Hãy ra hàng, nếu không
các anh sẽ bị tiêu diệt.
Lập tức trực thăng quần đảo ngay trên đầu. Người dẫn đường nắm tay tôi
chạy nhanh đến một chốt vũ trang.