Ông vẫn tiếp tục uống. Và cái bóng vẫn ngồi ở mép ván bất động.
Rồi có một lúc ông mơ hồ nghe tiếng kêu:
-Bác ơi!
Lúc ấy ông đặt ly rượu xuống. Cô gái nhỏ gục trên vai ông và khóc. Lúc ấy
nước mắt ông, từ cõi man man thiên địa sầu, mới chảy xuống mái tóc khô
cháy của cô gái nhỏ.
-Bác ơi!
-Đừng nói. Đừng nói gì cả con ạ. Bác đã biết hết rồi. Chúng ta không bao
giờ thoát ra khỏi kiếp nghèo đâu con. Thành phố là của người khác. Đất
nước này là của người khác. Không bao giờ là của mình. Của mình chỉ có
túp lều tranh này, cái chuồng heo và mấy con cá khô phơi ở chái nhà. Đất
nước này không phải của mình đâu con. Cả trái đất này cũng không phải
của mình. Mình chỉ là lũ ăn theo, lũ đi lượm mót một chút tiện nghi rơi rớt
của chốn phồn hoa. Giống như bác cháu mình từng đi mót lúa ngoài đồng.
Thôi, con đừng khóc nữa. Và cũng đừng kể lại những gì đã xảy đến cho
con.
Quỳnh đỡ đứa cháu nằm xuống, lấy gối kê đầu cho nó. Rồi ông vuốt tóc
cho nó ngủ.
Cuộc hành trình từ thành phố về quê của Trúc không phải một buổi, không
phải một ngày, mà nhiều ngày.
Cô đã không trở lại căn phòng mà giám đốc Minh đã thuê cho cô. Cô đã
không trở lại công ty. Cô đi thẳng từ nơi cô bị hãm hiếp, từ nơi cô bị bán, từ
nơi có biển xanh và những cây bàng cổ thụ…
Cô đi thằng từ đó với vài trăm ngàn trong túi. Vất vưởng như kẻ ăn mày.
Vô định như chiếc lá đã chết, đã trôi dạt trong cơn gió…Cô đã nghĩ rằng
mình sẽ đi cho đến khi nào gục chết, nhưng bàn chân lại dẫn cô về nhà. Đói
khát, tả tơi, kiệt sức.
&
Trúc hồi sinh nhờ nước và nắng. Nước gột sạch bụi đường và những
thương tích của cuộc hành trình mười ngày đêm.