không về làng ngay mà rẽ vào thăm mấy anh em trước có thời cùng đơn vị
đang công tác bên huyện đội. Họ làm cơm mời anh. Chiều mát anh mới ung
dung đạp xe đạp xuôi tới sông Thưa. Chưa qua sông anh nhận ra rằng
không thể nào không rẽ vào thăm chiến sĩ lái xe hôm trước đã đưa mình về.
Chiến sĩ này đang xin chuyển ngành. Vào thăm gia đình chú ấy và hỏi xem
công việc đến đâu rồi. Cả nhà vui đón anh. Ông bố kiên quyết không cho
anh về trong đêm nay. Anh vui mừng ở lại. Anh có ngờ đâu qua một đêm,
bao nhiêu sự việc đã diễn ra ở làng.
Cánh đồng Mạn Điền rộng trên hai mươi hécta và từ thuở người dân
làng Thị xưa nhất có ở trên đời đã thấy nó thuộc quyền sở hữu của làng.
Thuở ấy đất đai còn là tài sản riêng của cá nhân. Mạn Điền chủ yếu của ba
gia đình giàu có và mấy trung nông lớp trên. Cải cách ruộng đất, cánh đồng
Mạn Điền chia cho hai mươi nhăm gia đình nông dân. Mấy năm sau tất cả
thành tài sản của hợp tác xã.
Ngày xửa ngày xưa, Mạn Điền vẫn là cánh đồng màu. Người ta cấy
lúa nếp để tháng chín âm lịch gặt và trồng khoai sớm hoặc cấy tám thơm
gặt muộn để trồng khoai ngắn vụ. Khoai lan gần tới rãnh lập tức được vén
ngọn trồng đỗ các loại hai bên luống. Tháng năm mưa rào, đỗ tàn, khoai
cũng đến mùa thu hoạch, người ta cày móc hai bên luống ra, vùi lấp thân đỗ
và dây khoai làm phân còn lấy lại củ. Những chất hữu cơ này chăm bón lúa
mùa và làm cho đất luôn luôn có độ mùa tơi, bở.
Mấy năm sau này nông dân đến trại Lương Đình Của mua giống dưa
hấu đông ngắn hạn. Đó là một trong những đổi mới kỳ lạ ở vùng nam sông
Thưa. Thì ra không phải chỉ mùa hè, mà cả những ngày nắng hanh khe khắt
ăn miếng dưa hấu đỏ tươi và đầy nước ngọt vẫn mát rượi ruột gan. Tỉnh và
huyện kêu gọi trồng dưa hấu đông xuất khẩu, nghe nói chở sang những
nước xa xôi lắm. Toàn bộ cánh đồng Mạn Điền được trồng dưa hấu đông
ngắn vụ đã rồi sau đó vẫn trồng khoai muộn hoặc cấy lúa chiêm xuân. Hòn
đất được vần vò không nghỉ và cho ta nguồn của cải gấp ba, gấp năm ngày