Mari bắt đầu cảm thấy – và ngày càng bộc lộ thường xuyên hơn – giận dữ
tột độ. Chỉ cần một cái cớ nhỏ nhất cũng đủ để bà nổi đoá và gào thét với
chồng hay người đầu tiên gặp phải, sau đó thế nào cũng lại bắt đầu cái màn
vật vã nức nở.
Đã qua kỳ nghỉ được mấy ngày, nhưng Mari vẫn không đi làm, một trong
các đồng nghiệp của bà đã đến nhà. Ông ta ngày nào cũng gọi điện hỏi
thăm, lo lắng về sức khoẻ của bà, nhưng Mari không nhấc ống nghe hoặc
nhờ ông chồng nói như thể lúcđó bà đang bận việc. hôm đó ông ta cứ thế
xộc đến và gọi cửa cho đến khi bà ra mở cửa mới thôi.
So với mọi ngày, sáng hôm đó hoá ra lại khá dễ chịu. Mari pha trà, họ
chuyện trò đôi chút về công việc và sau đó ông ta hỏi khi nào thì bà định
trở lại văn phòng.
- Không bao giờ.
Ông ta nhớ đến câu chuyện về El Salvador.
- Thôi được rồi, tất nhiên là chị có quyền hành động theo suy xét của riêng
mình – ông ta nói với một giọng dàn hoà – nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trong
trường hợp này chính công việc là cách tốt nhất, hơn bất cứ một biện pháp
tâm lý nào. Chị cứ đi đi, cứ chiêm nghiệm thế giới, làm công ích ở những
nơi nào cần đến chị, nhưng xin chị nhớ rằng, cánh cửa văn phòng lúc nào
cũng rộng mở với chị, chị có thể trở lại khi nào chị muốn.
Nghe thấy thế, Mari bật khóc nức nở - chuyện này bây giờ xảy ra với bà
như cơm bữa.
Người đồng nghiệp chờ cho đến khi bà lấy lại bình tĩnh. Là một luật sư có
kinh nghiệm, ông ta không hỏi han gì thêm, vì biết rằng, đôi khi bằng sự im
lặng lại dịu dàng nhận được câu trả lời hơn là đặt câu hỏi.
Quả đúng thế thật. Mari kể hết mọi chuyện đã xảy ra với bà, bắt đầu từ lần
đi xem phim đến những cơn điên loạn gần đây với chồng, người đã chăm
sóc bà đến thế.
- Tôi loạn trí mất rồi – bà nói.
- Có thể là thế đấy – với vẻ am hiểu, ông ta đáp, nhưng giọng nói vẫn rất
nhẹ nhàng – Trong trường hợp này chỉ có hai sự lựa chọn thôi: chữa trị
hoặc là cứ để cho bệnh tình tiến triển thế.