chút xíu nhiệt tình nào. Thoạt đầu anh vẫn duy trì việc chạy bộ và tập
bốc chỉ để vui thôi, cho đến ngày nọ tại phòng tập có người đề nghị
anh đánh một trận bốn hiệp tại St. Nick’s Arena, trả anh ba mươi lăm
đô để thế chỗ một võ sĩ vừa rút lui, và chủ yếu là để bù lại cho tất cả
những gì anh đã bỏ lỡ tại giải Golden Gloves, anh nhận lời và, hết sức
hài lòng, bí mật trở thành tay đấm chuyên nghiệp.
Vậy là anh có trường học, có thơ ca, có đánh bốc chuyên nghiệp, lại
còn có cả các cô gái, những cô gái biết cách đi đứng và cách mặc một
chiếc váy, cách di chuyển trong chiếc váy ấy, những cô gái hệt như
những gì anh hình dung khi khởi hành từ Trung tâm thủ tục giải ngũ ở
San Francisco đến New York - những cô gái đã biến những con phố ở
Greenwich Village và những lối đi bộ đan chéo nhau ở quảng trường
Washington thành chốn của mình. Có những buổi chiều xuân ấm áp,
khi chẳng có gì ở nước Mỹ thắng lợi thời hậu chiến, nói gì đến thế giới
cổ đại, có thể khiến Coleman thích thú hơn những đôi chân của đám
con gái đi bộ trước mặt anh. Anh cũng không phải là người duy nhất
trở về từ chiến tranh bị bủa vây bởi nỗi ám ảnh này. Trong những ngày
ấy ở Greenwich Village, có vẻ không có trò giải trí ngoài giờ học nào
cho các cựu binh học ở NYU khiến người ta mê mải hơn việc đánh giá
những cặp giò của các phụ nữ đi ngang qua quán ăn và quán cà phê
nơi họ tụ tập để đọc báo và chơi cờ. Về mặt xã hội học thì chả ai biết
vì sao lại như vậy, nhưng là vì lý do gì đi chăng nữa thì đó vẫn là kỷ
nguyên của những đôi chân gợi dục ở nước Mỹ vĩ đại, và ít nhất một
hai lần một ngày, Coleman đi theo một đôi chân từ dãy phố này sang
dãy phố khác để nhìn cách chúng di chuyển, cách chúng được tạo tác
và chúng trông ra sao lúc được nghỉ khi đèn giao thông ở ngã tư
chuyển từ đỏ sang xanh. Và khi anh biết đã đến đúng thời điểm - sau
khi đã theo sau đủ lâu để có thể vừa đĩnh đạc trong lời nói, vừa thèm
khát đến điên rồ - và rảo bước để đuổi kịp, khi anh mở lời và lấy lòng
nàng đủ để được phép sánh bước bên cạnh nàng và hỏi tên nàng và