mẽ thế nào cho đến khi ông đếm được số lượng những người, từng
khoa từng khoa một, dường như không hề tỏ vẻ khó chịu trước việc
cái từ mà ông đã chọn để nói về hai sinh viên dường như không hề tồn
tại của mình lại được hiểu không phải bằng nghĩa tự điển sơ đẳng vốn
rõ ràng là ý ông định dùng, mà lại bằng cái nghĩa khinh thị chủng tộc
đã thúc đẩy hai sinh viên da đen đó đến chỗ đệ đơn kiện ông.
Tôi còn nhớ rõ cái ngày tháng Tư đó cách nay hai năm khi Iris Silk
chết và Coleman như hóa điên. Ngoài việc gật đầu chào người này hay
người kia trong hai người họ mỗi khi chúng tôi tình cờ gặp nhau trên
đường đến cửa hàng tạp phẩm hay bưu điện, tôi không thực sự quen
gia đình Silk hay biết gì nhiều về họ cho đến lúc đó. Thậm chí tôi còn
không biết Coleman đã lớn lên ở cái thị trấn bé tí East Orange của hạt
Essex, New Jersey chỉ cách chỗ tôi bốn năm dặm gì đó, và chuyện, tốt
nghiệp trường Trung học East Orange năm 1944, ông trên tôi, học ở
trường Newark gần đó, có sáu khóa. Coleman không tìm cách làm
quen với tôi, và tôi cũng không rời New York rồi chuyển vào một căn
nhà nhỏ hai phòng nằm sâu trong một cánh đồng trên một đường làng
tuốt trên khu Berkshire để gặp gỡ bạn bè mới hoặc gia nhập một cộng
đồng mới. Những lời mời tôi nhận được trong những tháng đầu tiên ở
đó năm 1993 - mời đến dùng bữa, uống trà, dự một bữa tiệc cốc tai,
thả bộ xuống trường đại học dưới thung lũng để thuyết trình cho công
chúng hoặc, nếu tôi thích, một buổi trao đổi thân mật với một lớp học
văn chương - tôi đều lịch sự từ chối, và sau chuyện đó cả những người
láng giềng lẫn trường đại học đều để yên cho tôi sống và làm công
việc của tôi một mình.
Nhưng rồi, vào buổi chiều đó cách đây hai năm, sau khi chuẩn bị
xong cho đám tang của Iris, Coleman lái thẳng xe đến đậu bên cạnh
nhà tôi, đập cửa ầm ầm và xin vào. Dù có điều cấp bách cần hỏi, ông
cũng không thể ngồi yên hơn ba mươi giây để nói rõ đó là chuyện gì.
Ông đứng lên, ngồi xuống, lại đứng lên, đi vòng vòng quanh phòng