đó một tuần đã gọi để báo cho bà biết bọn trẻ đã chết. Cú điện đầu tiên
sau hai mươi năm. “Mẹ, Faunia đây.” “Rất tiếc. Tôi không biết ai có
tên đó,” và cúp máy. Đồ chó cái. Sau khi tôi trốn đi, bà ta nói với mọi
người, “Chồng tôi thì nghiêm khắc mà Faunia lại không thể sống có
phép tắc. Nó chẳng bao giờ sống có phép tắc được.” Một kiểu bao
biện kinh điển. Đứa bé gái nhà giàu nào lại bỏ nhà đi vì một ông cha
dượng nghiêm khắc? Nó chạy trốn, đồ chó ạ, là bởi gã cha dượng
không có nghiêm khắc - bởi vì gã cha dượng là thằng biến thái và sẽ
không để nó yên. Dù sao tôi cũng đã mặc bộ đồ đẹp nhất tôi có. Kém
hơn thì không có được. Lần thứ hai tôi không ăn diện. Và việc tôi
không ăn diện nói lên toàn bộ câu chuyện. Lòng tôi không còn đặt vào
đó nữa, không còn nữa sau lần đầu thất bại. Lần thứ hai việc tự sát thật
đột ngột và bột phát và chẳng vui gì. Lần đầu tiên đã mất bao thời gian
chuẩn bị, ngày này qua đêm khác, toàn bộ những sự trông ngóng ấy.
Pha chế. Mua bột. Kiếm đơn thuốc. Nhưng lần thứ hai thì vội vã.
Chẳng có hứng gì. Tôi nghĩ mình đã dừng lại bởi tôi không thể chịu
đựng nổi cảm giác nghẹt thở. cổ họng tôi tắc nghẹn, thực sự nghẹt thở,
không hớp được tí không khí nào, và cuống cuồng tìm cách cởi nút sợi
dây điện. Lần đầu tiên không có cái kiểu vội vã ấy. Thật tĩnh tại và
bình yên. Bọn nhỏ đã chết và không còn ai để tôi lo lắng nữa và tôi có
tất cả thời gian trong cõi đời này. Giá như tôi thành công lần đó. Cái
niềm khoan khoái nơi nó. Khi phút cuối không còn gì nữa, chỉ còn cái
khoảnh khắc vui sướng cuối cùng, khi cái chết đáng lẽ sẽ giận dữ kéo
đến, nhưng ta lại không cảm thấy giận dữ chút nào - chỉ hoan hỉ. Tôi
không thể ngưng nghĩ về nó. Suốt tuần này. Người đàn ông ấy đọc cho
tôi nghe bài về Clinton trên tờ New York Times và tất cả những gì tôi
nghĩ đến là bác sĩ Kevorkian
và chiếc máy chứa monoxít cácbon của
ông ta. Cứ hít vào thật sâu. Cứ hít đi cho đến khi chẳng có gì để hít
nữa.