nhưng hai gã ở đây thì cũng đủ tệ rồi. Họ chỉ thò mặt đến để dạy mỗi
tuần một lần, họ có gia đình, họ tán tỉnh cô, và họ thật quá quắt không
chịu được. Chừng nào chúng ta có thể ăn trưa với nhau, Delphine? Rất
tiếc, cô nghĩ, nhưng tôi chả có ấn tượng gì hết. Điều cô thích ở
Kundera lúc diễn thuyết là ở chỗ ông ấy luôn có vẻ gì đó hơi khó minh
định, thậm chí đôi khi còn hơi xác xơ, một nhà văn lớn malgré lui
. Ít
nhất là cô cảm thấy thế và đó là điều cô thích ở ông ấy. Nhưng chắc
chắn cô không thích, không thể chịu được cái thể loại ta-đây-văn-sĩ
của những gã người Mỹ mà mỗi khi gã nhìn cô, cô biết thừa gã đang
nghĩ, Với thứ tự tin kiểu Pháp và thời trang Pháp và giáo dục Pháp ưu
tú của cô, thì cô quả là Pháp cực kỳ, nhưng cô dù sao vẫn là dân khoa
bảng còn tôi là nhà văn - chúng ta không đồng đẳng.
Những gã văn sĩ lưu trú này, theo như cô ước đoán, bỏ một lượng
thời gian khổng lồ chỉ để lo nghĩ xem mình nên đội cái gì. Phải, cả tay
nhà thơ lẫn gã nhà văn đều có máu say mê mũ nón đến dị thường, và
bởi thế cô xếp loại họ vào phường Mũ Nón trong những lá thư gửi bạn
của mình. Một người thì luôn ăn mặc như Charles Lindbergh, với cái
mũ phi công cổ lỗ sĩ, và cô không thể hiểu nổi mũ phi công thì có liên
hệ gì với chuyện viết lách, nhất là với một gã văn sĩ lưu trú. Cô bình
phẩm về chuyện này trong những lá thư tếu táo gửi cho bạn bè ở Paris.
Người còn lại thuộc loại đội mũ-mềm, loại khiêm tốn - hạng người
này, dĩ nhiên, rất ư recherché
- gã bỏ ra đến tám tiếng trước gương
chỉ để ăn diện một cách cẩu thả. Phù phiếm, khó hiểu, đã trải qua một
trăm tám mươi sáu lần kết hôn, và ảo tưởng về bản thân một cách
khủng khiếp. Cô cảm thấy khinh thường hơn là ghét bỏ loại người này.
Thế nhưng, chìm sâu trong nỗi thèm khát một chuyện tình lãng mạn ở
vùng đồi núi Berkshire, đôi khi cô cảm thấy lưỡng lự trước hai gã Mũ
Nón và tự hỏi cô có nên nghiêm túc xem họ như những ứng viên cho
chuyện tình ái, ít nhất là thế. Không, cô không thể làm thế, nhất là sau
những gì cô đã viết trong thư gửi đi Paris. Cô phải cự tuyệt họ dù cho