nào, miễn là không bị "để ý" về chính trị. Người viết cứ đưa bài thẳng cho
Lực, chẳng mất gì, mà lại được: được in nhanh. Cho nên dạo này nhu cầu
tiếp khách của Lực rất cao, mỗi ngày ít ra cũng mười người. Kẻ ra người
vào, tấp nập, vui thiệt là vui. Hầu hết bài của các ban nộp lên là cứ phải gác
lại.
Những bài Cù Văn Hòn nộp, Lực dứt khoát không in. Hòn đành nghĩ mẹo:
đọc thấy bài nào tốt, cậu ta bỏ phong bì, vờ thay nét chữ, ghi ngoài phong
bì tên người gửi và tên người nhận "Kính gửi nhà văn hóa Quách Quyền
Lực - Viện trưởng Viện Văn hiến kiêm tổng biên tập báo Văn hiến nghìn
năm…", đem ra bưu điện dán con tem bốn trăm đồng. Bài được đăng ngay.
Lực gồng sức lên, căng cơ bắp, căng trí não, căng thời gian, giành tuyệt đối
cho mình sự ban ơn đối với mọi người.
Suốt ngày Lực như ông tướng điều trơ mặt thớt trên sân khấu hát bội, xung
quanh người dắt đầy cờ quạt gươm dáo, áo quần ìấp lánh những giải tua rua
kim tuyến và chuỗi hạt cườm, nhảy múa giữa inh ỏi xập xình chiêng trống.
Có tật giật mình, hễ thấy vài ba người trong cơ quan chụm đầu trò chuyện
là Lực nghi "chúng nó nói xấu mình". Triệt để sử dụng quyền thủ trưởng,
Lực đe nẹt trong các cuộc họp: "Tôi hết lòng lo lắng công việc cho cơ quan,
cho Đảng, cho nhân dân, cho nền văn hiến nước nhà. Thế mà các anh các
chị lại bảo tôi là dùng thủ đoạn để mua phiếu. Tầm thường quá, tầm thường
quá, tầm thường quá, tầm thường quá…!". Lực day đi day lại ba tiếng "tầm
thường quá" cho đến lúc khàn giọng mới thôi.
Nhưng chính vì thế, chính vì sự đe nẹt đó, càng châm mồi cho nhiều cuộc
đàm tiếu:
- Không thể có một người thứ hai như Quách Quyền Lực.
- Đúng! Trong thiên hạ, cũng có nhiều kẻ hám quyền hám tiền hám chức,
nhưng không ai quyết liệt như Quách Quyền Lực.
- Tôi vô cùng bái phục lão ta về sự giẻo dai, sao lão ta không mệt nhỉ?
Hoàng Bảo, một nhà nghiên cứu văn hóa phương Tây lão luyện:
- Ơ các ông không nhớ câu của La Rochefoucauld à? "Đam mê mãnh liệt
cũng có lúc phải nghỉ ngơi, nhưng hiếu thắng thì không bao giờ".
Phan Chấn: