càng trèo lên cao. Càng lên cao nó càng ngộ nhận. Càng ngộ nhận nó càng
làm bừa.
Cái bi kịch là ở đó.
Được trúng vào Ban chấp hành, Lực quên ngay rằng mình đã dùng vô số
thủ đoạn; mà tự ngộ nhận: mình có uy tín lớn về học thuật về đạo đức.
Càng ngộ nhận càng trượt xa vào những sai lầm.
Mấy năm trước, thỉnh thoảng Lực còn nói với Hòn:
"Tao biết tao có những khuyết điểm như mày góp ý. Mà phải để cho tao sửa
từ từ chứ". Nhưng từ khi trúng uỷ viên chấp hành, câu nói đó hoàn toàn
biến mất. Cách làm của mình mấy năm nay là hoàn toàn đúng, là hoàn toàn
hợp với lẽ đời là hoàn toàn thích nghi với cơ chế xã hội. Cứ thế mà làm.
Càng làm tới.
Những bài "phóng sự điều tra" in trên báo mà Việt Sồ phẫn nộ chẳng qua là
một kiểu quảng cáo biến tướng. Nào là "Cảm xúc VANDE". Nào là "Nghĩa
tình VIUNAMI!". Nào là…. Nào là… Kèm theo bài là ảnh ông giám đốc,
hoặc là ảnh sản phẩm, hoặc là ảnh xí nghiệp. Nếu đằng thằng in quảng cáo,
người chạy quảng cáo chỉ được hưởng bốn mươi phần trăm. Còn in quảng
cáo biến tướng, không phải nộp cho cơ quan đồng nào, mà đút túi tất tần
tật… Phan Chấn, nhà văn tên tuổi nổi như cồn một thời, cũng lao vào viết
một loạt bài như thế này. Khi đồng tiền đã trở thành ông chủ xấu trong lĩnh
vực văn hóa, ngòi bút dễ trở thành con điếm chiều khách làng chơi…
Các cô Dung, Thanh, Thùy, Chiều, Đào, Chanh ngồi xổm trên nền gạch, hí
húi cuộn dán từng tờ báo để gửi biếu. Động tác thành thạo, nhanh nhẹn.
Trời nóng. Mồ hôi bết tóc hai thái dương và sau gáy… Việt Sồ rít một hơi
thuốc lào, nhả khói bay tung tỏa:
- Chúng mày gửi biếu ai mà nhiều thế?
Chanh nghếch đầu:
- Bọn em chỉ làm theo lệnh của thầy em.
- Sao lại gửi nhiều cho các quan to thế? Các lão ấy có đọc đâu mà gửi.
Hàng trăm tờ báo gửi cho các lão ấy, chất hàng đống ở góc nhà, tốn tiền tốn
của.
- Anh đi mà nói với thầy em.