BUỔI DIỄN TẤT NIÊN
CỦA NGƯỜI HỔ
Trước mặt hắn là cả một bộ “đồ lề” của họa sĩ nếu chúng ta không muốn
làm mếch lòng hắn mà mệnh danh cho hắn một cách nôm na là… anh thợ
vẽ! Điều này, đối với hắn, quan trọng lắm, vì sự thực, hắn có quyền được
ngồi vào chiếu nghệ sĩ như ai!
Mặc dầu, bây giờ, hắn chỉ là một anh thợ vẽ chuyên môn vẽ hổ, cái thứ
hổ thờ mà người ta vẽ rất nhiều trong dịp Tết!
Hắn nguệch ngoạc mấy nét vào bộ ria của ông ba mươi trước mặt, rồi
bỗng quăng bút mà bảo tôi rằng:
- Không hiểu có phải là vì tất niên năm Hổ mà cái món hàng Hổ cuối
năm nay, nghe chừng chạy lắm! Trong mấy phiên chợ Tết, có lẽ tôi vẽ đến
hơn trăm ông rồi, thôi thì đủ các mầu sắc: bạch hổ, thanh hổ, hoàng hổ
và… vân vân hổ!
Sẽ nhún vai, hắn lạnh lùng tiếp:
- Thôi, nhỡ thời thì phải chiều thời, qua đình làng nào, thì ta chào đình
làng ấy vậy. Bây giờ làm cái nghề vẽ hổ, đối với khách hàng, tôi phải hết
sức cung kính mà gọi là các ngài chứ thời xưa chính các ngài ấy bằng
xương và bằng thịt, tôi cũng chỉ coi là muỗi tép!
Hắn có một cái nhìn mơ mộng, xa xôi và giọng nói nhẹ nhàng như giọng
nói một cô con gái, đượm chút buồn rầu.
Trước đây, hắn chính là một nghệ sĩ, biểu diễn trong gánh xiếc lớn nhất
nước ta, trong vai Người Hổ. Tất cả công việc của hắn là phải vào trong
một chuồng hổ lớn nhiều khi đông tới bẩy, tám con rồi đùa giỡn với chúng,
miễn là làm sao cho khán giả càng “sởn tóc gáy” là càng được hoan nghênh
nhiệt liệt!