- Ồ nhỉ, tại sao lỗ khóa bên phải đều quay về phía bên phải mà lỗ khóa
bên trái lại quay về phía bên trái?
- Tại vì hai khóa bên phải đã có Nùng Chí mở qua, còn hai khóa bên trái
thì lúc Nùng Cao chết đến giờ chưa có ai mở đến cả. Một người thường
khóa lỗ khóa quay về bên trái là người thế nào?
- Là người vẫn quen dùng tay trái hơn tay phải, vì khóa như thế lúc mở
dùng tay trái mới tiện. Nhưng ông châu Nùng Cao quen dùng tay phải hay
trái, có liên quan đến vụ án mạng này đâu.
Kỳ Phát mỉm cười hỏi:
- Đối với anh thì có lẽ cái xương cánh tay kia cũng không dính dáng gì
đến án mạng hẳn?
- Nhắc đến khúc xương, tôi lại sực nghĩ ra, sao anh không phá nốt chiếc
ngăn kéo dưới ở bên trái ra xem trong ấy có gì không? Tôi đoán hẳn có
nhiều cái lạ kỳ.
- Anh thực thà quá, anh tưởng tôi chưa xem tới ngăn kéo ấy sao? Anh
nên biết rằng ngay lúc có Ty Khuông ở đấy, tôi đã mở được cái ngăn kéo
thứ tư rồi nhưng sợ ở trong ấy có cái gì bí mật, không tiện cho Ty Khuông
biết sợ trở ngại việc tra xét của chúng mình.
- Đối với anh có lẽ không có cái khóa nào là hiểm cả, chắc đêm qua anh
sang buồng bên mở ngăn kéo ấy xem rồi. Anh thấy có gì lạ?
Kỳ Phát mở ví đưa cho tôi xem ba mảnh giấy đốt giở nói:
- Trong ngăn kéo tôi chỉ thấy một đống giấy. Tôi bới tìm chỉ có ba mảnh
giấy này là còn có thể đọc được. Đây anh xem một mảnh có chữ: “… từ
1928; Ta nóng quá những hối…” một mảnh có bốn chữ: “… Nó giết ta
làm…” và một mảnh chỉ có hai chữ: “… Tiếng… đồng…”
Tôi nói:
- Mảnh thứ ba này chắc chữ giữa bị lửa lém vào, tiếng… đồng… À hay
là tiếng chiêng đồng?
- Tôi cũng đoán thế. Cứ như hai chữ: “… từ 1928” thì ta có thể chắc rằng
tập giấy đốt đi này là một nhật ký từ năm 1928 tức là tháng tư năm 1928.