đầu của tôi vậy.
- Thế sao lúc nẫy…
- Lúc nẫy tôi biết chỉ là vì tôi thấy bà cụ tìm ông, cũng như tôi biết ông
hiện làm thư ký tòa án Nam Định, nhân ngày nghỉ về quê ăn giỗ.
Cắt nghĩa như thế, thì có trời hiểu. Bây giờ hồi tưởng đến thái độ ngạc
nhiên của người trẻ tuổi lúc ở trên tầu tôi cũng vẫn còn buồn cười nôn ruột.
Nói thực ra, thì ai mà không lấy làm lạ, nhưng chỉ mỗi tôi là thẹn vì lúc
trước đã thốt ra câu hỏi ngờ nghệch kia.
Thấy tôi thần người ra nghĩ ngợi, Kỳ Phát vỗ vai tôi mà cười:
- Có thế mà mãi không nghĩ ra ư? Ninh Bình đây rồi này! Kìa anh trông!
Tôi nhìn theo tay Phát trỏ, thấy trên sân ga bà cụ lúc nẫy tay cầm bọc,
tay che ô đi bên người trẻ tuổi, áo sa-tây xách va ly, tay xách buồng chuối
ngự.
Kỳ Phát nói:
- Anh nhận thấy chưa? Chính cái ô kia nó dẫn tôi từ bà cụ đến chàng trẻ
tuổi. Lúc bà cụ lên, tay kéo vạt áo che nắng, tôi biết đó là một người quen
đi ô, không nón. Mà bà cụ lại ra ý muốn tìm người quen, tôi sực nhớ đến
chàng trẻ tuổi gặp lúc mới lên tầu, một tay chàng xách buồng chuối, một
tay chàng xách va ly. Tôi để ý nhất là ở quai va ly có buộc một chiếc ô đàn
bà. Thường ra một người trẻ tuổi không ai muốn mang theo ô, nhất là cái ô
của đàn bà dùng, trừ ra trong khi bất đắc dĩ lắm.
- Vì thế anh đoán ra rằng: người trẻ tuổi kia là con bà cụ?
- Tôi phỏng đoán chắc bà cụ đi trước đã mấy hôm nay vào Cát Đằng
thăm bà con, nhân tiện ông con được ngày nghỉ vào Ninh Bình ăn giỗ một
thể. Hai mẹ con đã hẹn nhau đi cùng một chuyến tầu, nhưng phiền nhất cho
ông con là khi ở Nam đi bà mẹ lại bỏ quên chiếc ô ở nhà, thành ra chàng
phải mang theo đi kẻo sợ cụ già không quen nắng gió. Nhờ có thẻ hương ở
bọc cụ già, và buồng chuối của người trẻ tuổi mà tôi đoán rằng: Hai mẹ con
bà cụ vào Ninh Bình ăn giỗ.
Tôi cười bảo: