3. TẠO RA THỊNH VƯỢNG VÀ ĐÓI
NGHÈO
KINH TẾ HỌC VỀ VĨ TUYẾN 38
VÀO MÙA HÈ NĂM 1945, khi Thế chiến thứ hai sắp kết thúc, chế độ
thực dân Nhật Bản ở Triều Tiên bắt đầu sụp đổ. Trong vòng một tháng sau
khi quân Nhật đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/8, đất nước Triều Tiên bị
chia đôi. Miền nam được Hoa Kỳ tiếp quản. Miền bắc đi theo đường lối của
Liên Xô. Nền hòa bình không dễ dàng của thời kỳ chiến tranh lạnh vỡ tan
vào tháng 6/1950 khi quân đội Bắc Triều Tiên tấn công miền nam. Cho dù
thoạt đầu Bắc Triều Tiên đã tiến hành những đợt xâm nhập lớn và chiếm
đóng thủ đô Seoul, nhưng đến mùa thu thì họ rút lui hoàn toàn. Chính lúc
đó Hwang Pyŏng-Wŏn và em trai phải ly tán. Hwang Pyŏng-Wŏn xoay sở
bỏ trốn và cố để không bị sung vào quân đội Bắc Triều Tiên. Ông ở lại
miền nam và hành nghề dược sĩ. Em trai ông, một bác sĩ làm việc ở Seoul
chăm sóc cho các binh sĩ bị thương của quân đội Nam Triều Tiên, bị đưa ra
miền bắc khi quân đội Bắc Triều Tiên rút lui. Chia ly từ năm 1950, mãi đến
năm 2000 họ mới gặp lại nhau lần đầu tiên tại Seoul sau 50 năm, sau khi
chính phủ hai miền cuối cùng đồng ý phát động một chương trình đoàn tụ
gia đình có giới hạn.
Là một bác sĩ, em trai Hwang Pyŏng-Wŏn cuối cùng làm việc cho
không quân, một công việc tốt trong một chế độ độc tài quân sự. Thế nhưng
ngay cả những người có đặc quyền ở Bắc Triều Tiên cũng không khấm khá
lắm. Khi anh em gặp lại nhau, Hwang Pyŏng-Wŏn hỏi thăm về cuộc sống ở
phía nam vĩ tuyến 38. Ông có một chiếc ô-tô, nhưng em ông không có.
“Thế em có điện thoại không?” Ông hỏi em trai. Người em đáp: “Không.
Con gái em làm việc cho Bộ ngoại vụ có một chiếc điện thoại, nhưng nếu
không biết mã thì anh cũng không thể gọi được”. Hwang Pyŏng-Wŏn nhớ