chuyển giao công nghệ. Nam Triều Tiên nhanh chóng trở thành một trong
những “nền kinh tế thần kỳ” của Đông Á, một trong những quốc gia tăng
trưởng nhanh nhất thế giới.
Đến cuối thập niên 1990, chỉ sau khoảng một nửa thế kỷ, sự tăng
trưởng của Nam Triều Tiên và đình trệ của Bắc Triều Tiên dẫn đến khoảng
cách gấp 10 lần giữa hai nửa của một lãnh thổ từng là một quốc gia thống
nhất - thì hãy thử hình dung sự khác biệt mà một vài thế kỷ có thể mang lại
có thể lớn đến nhường nào. Thảm họa kinh tế của Bắc Triều Tiên, làm cho
hàng triệu người chết đói, đặt cạnh thành công kinh tế của Nam Triều Tiên,
thật là ấn tượng: không phải văn hóa mà cũng chẳng phải yếu tố địa lý hay
tình trạng thiếu hiểu biết có thể giải thích cho sự phân ly giữa Nam và Bắc
Triều Tiên. Chúng ta phải nhìn vào các thể chế để tìm câu trả lời.
CÁC THỂ CHẾ KINH TẾ CHIẾM ĐOẠT VÀ
DUNG HỢP
Các nước có thành công kinh tế khác nhau là do các thể chế và các
quy tắc khác nhau tác động đến sự vận hành của nền kinh tế và động cơ của
dân chúng một cách không giống nhau. Hãy tưởng tượng thanh thiếu niên ở
Nam và Bắc Triều Tiên, và những gì họ trông đợi từ cuộc sống. Thanh
thiếu niên Bắc Triều Tiên lớn lên trong đói nghèo, không có tinh thần
nghiệp chủ, óc sáng tạo, hay nền giáo dục đầy đủ để chuẩn bị cho họ đón
nhận những việc làm có kỹ năng. Phần lớn nền giáo dục họ nhận được ở
nhà trường là sự tuyên truyền thuần túy nhằm củng cố tính chính thống của
chế độ; sách vở còn thiếu, huống hồ là máy tính. Sau khi học xong phổ
thông, mọi người đều phải phục vụ 10 năm trong quân đội. Các thanh thiếu
niên này biết họ sẽ không được sở hữu tài sản riêng, không được thành lập
doanh nghiệp hay trở nên thịnh vượng hơn, mặc dù trên thực tế nhiều người
tham gia vào các hoạt động kinh tế tư nhân một cách bất hợp pháp để kiếm
sống. Họ cũng biết họ sẽ không được tiếp cận một cách hợp pháp với các
thị trường để có thể sử dụng kỹ năng hay thu nhập của mình nhằm mua sắm