Tình hình ở phía bắc vĩ tuyến 38 thì khác. Kim Nhật Thành (Kim Il-
Sung), nhà lãnh đạo phong trào kháng Nhật của những người theo chủ
nghĩa cộng sản trong Thế chiến thứ hai, nổi lên như một nhà độc tài vào
năm 1947, và với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã áp dụng một hình thức kinh tế
kế hoạch hóa tập trung cứng nhắc như một phần của hệ thống “Chủ thể”
(Juche). Sở hữu tư nhân không được chấp nhận và các thị trường bị cấm
đoán. Tự do bị khống chế không chỉ trên thương trường, mà trong mọi lĩnh
vực đời sống của người dân Bắc Triều Tiên - ngoại trừ những người vì lý
do nào đó trở thành một phần trong giới quyền thế cầm quyền xung quanh
Kim Nhật Thành, và về sau là con trai ông và cũng là người kế vị Kim
Chính Nhật (Kim Jong-Il).
Không ngạc nhiên khi thấy vận mệnh kinh tế của hai miền nam và bắc
Triều Tiên phân hóa vô cùng sâu sắc. Nền kinh tế mệnh lệnh của Kim Nhật
Thành và hệ thống Chủ thể chẳng bao lâu đã tỏ ra là một thảm họa. Mặc dù
không có số liệu thống kê chi tiết, vốn được coi là bí mật quốc gia ở Bắc
Triều Tiên, tuy nhiên bằng chứng hiện có xác nhận rằng những trận đói xảy
ra quá thường xuyên: chẳng những sản xuất công nghiệp không cất cánh
được, mà Bắc Triều Tiên thật ra còn trải qua sự sụp đổ năng suất nông
nghiệp. Thiếu sở hữu tư nhân có nghĩa là gần như không ai có động cơ đầu
tư hay phát huy nỗ lực để gia tăng năng suất hay thậm chí duy trì năng suất.
Cơ chế bóp nghẹt và đè nén vô cùng tai hại đối với phát minh đổi mới và
áp dụng công nghệ mới. Nhưng Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật và giới
thân hữu của họ không có ý định cải tổ hệ thống hay chấp nhận sở hữu tư
nhân, các thị trường, các hợp đồng tư nhân, hay thay đổi các thể chế kinh tế
và chính trị. Bắc Triều Tiên tiếp tục đình trệ về mặt kinh tế.
Trong khi đó, ở miền nam, các thể chế kinh tế có tác dụng khuyến
khích đầu tư và thương mại. Các chính khách Nam Triều Tiên đầu tư vào
giáo dục, đạt tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ phổ cập giáo dục cao. Các công ty Nam
Triều Tiên nhanh chóng tận dụng lợi thế dân số có trình độ tương đối cao,
các chính sách khuyến khích đầu tư và công nghiệp hóa, xuất khẩu và