chế để áp đặt trật tự, ngăn ngừa trộm cắp và lừa đảo, và cưỡng chế thực thi
hợp đồng giữa các bên tư nhân. Để vận hành trôi chảy, xã hội cũng cần có
các dịch vụ công khác: đường sá và mạng lưới giao thông tốt để có thể lưu
thông vận chuyển; cơ sở hạ tầng công để hoạt động kinh tế có thể nở rộ; và
một loại hình giám sát điều tiết cơ bản nhất định để ngăn chặn lừa đảo và
lạm dụng quyền hạn. Cho dù nhiều dịch vụ này có thể được cung cấp bởi
thị trường và tư nhân, mức độ phối hợp cần thiết để làm điều đó trên quy
mô lớn thường cản trở mọi người, ngoại trừ chính quyền trung ương. Vì
thế, nhà nước tất yếu phải đan xen với các thể chế kinh tế, trên cương vị
người thực thi luật pháp và trật tự, sở hữu tư nhân và hợp đồng, và trên
cương vị nhà cung cấp dịch vụ công. Các thể chế kinh tế dung hợp cần có
nhà nước và phải sử dụng nhà nước.
Các thể chế kinh tế của Bắc Triều Tiên hay châu Mỹ La-tinh - các hệ
thống cai trị mita, encomienda hay repartimiento mô tả trên đây - không có
những đặc tính này. Sở hữu tư nhân không tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Châu
Mỹ La-tinh thời thuộc địa có quyền sở hữu tư nhân dành cho người Tây
Ban Nha, nhưng sự sở hữu tài sản của người dân bản xứ hết sức bấp bênh.
Trong cả hai hình thức tổ chức xã hội này, đại đa số dân chúng không thể ra
các quyết định kinh tế mà họ muốn; họ phải chịu sự áp bức đáng kể. Trong
cả hai hình thức tổ chức xã hội này, quyền lực của nhà nước không được sử
dụng để cung cấp các dịch vụ công then chốt giúp thúc đẩy sự phồn vinh. Ở
Bắc Triều Tiên, nhà nước xây dựng một hệ thống giáo dục để đẩy mạnh
tuyên truyền, nhưng không thể ngăn được nạn đói. Ở châu Mỹ La-tinh thời
thuộc địa, nhà nước tập trung vào việc cưỡng bức người dân bản xứ. Trong
cả hai hình thức tổ chức xã hội này đều không có một sân chơi bình đẳng,
hay một hệ thống luật pháp không thiên vị. Ở Bắc Triều Tiên, hệ thống luật
pháp là một nhánh của đảng cầm quyền, và ở châu Mỹ La-tinh, hệ thống
luật pháp là công cụ phân biệt đối xử, chống lại đại đa số dân chúng. Chúng
ta gọi các thể chế này là các thể chế kinh tế chiếm đoạt (extractive
institutions), với những đặc điểm trái ngược với các thể chế kinh tế dung