hợp; chiếm đoạt là vì các thể chế này được thiết kế để chiếm đoạt thu nhập
và của cải từ một bộ phận xã hội và làm lợi cho một bộ phận khác.
ĐỘNG CƠ CỦA THỊNH VƯỢNG
Các thể chế kinh tế dung hợp tạo ra các thị trường dung hợp, không
chỉ cho phép dân chúng tự do theo đuổi các thiên hướng nghề nghiệp trong
cuộc sống theo cách phù hợp nhất với tài năng của họ mà còn mang lại một
sân chơi bình đẳng, tạo cho họ cơ hội để làm điều đó. Những người có
những ý tưởng tốt có thể thành lập doanh nghiệp; người lao động sẽ chọn
những hoạt động có năng suất cao hơn; và những doanh nghiệp kém hiệu
quả có thể được thay thế bằng những doanh nghiệp hiệu quả hơn. Hãy đối
chiếu cách thức dân chúng chọn nghề trong các thị trường dung hợp so với
thuộc địa Peru và Boliva chẳng hạn, ở đó trong hệ thống cai trị mita, nhiều
người bị cưỡng bức lao động trong các mỏ bạc hay mỏ đồng, bất kể kỹ
năng của họ ra sao và liệu họ có muốn làm việc như thế hay không. Các thị
trường dung hợp không chỉ là các thị trường tự do. Barbados vào thế kỷ 17
cũng có thị trường. Nhưng cũng hệt như việc đất nước này không có quyền
sở hữu tài sản cho mọi người ngoại trừ giới quyền thế chủ đồn điền, các thị
trường ở đây cũng không có tính dung hợp; các thị trường nô lệ thật ra là
một phần của các thể chế kinh tế cưỡng đoạt một cách có hệ thống đối với
đại đa số dân chúng và tước đoạt khả năng chọn nghề cũng như không cho
phép họ sử dụng tài năng của mình.
Các thể chế kinh tế dung hợp cũng lát đường cho hai động cơ của
thịnh vượng: công nghệ và giáo dục. Tăng trưởng kinh tế bền vững gần như
luôn luôn đi kèm với cải tiến công nghệ giúp dân chúng (lao động), đất đai
và vốn (nhà xưởng, máy móc hiện có…) trở nên có năng suất cao hơn. Hãy
nghĩ đến ông bà cụ kị của chúng ta chỉ hơn một thế kỷ trước đây không
được tiếp cận với máy bay, ô-tô hay hầu hết các loại thuốc và biện pháp
chăm sóc y tế mà hiện giờ ta xem là đương nhiên, ấy là còn chưa nói đến hệ
thống nước máy trong nhà, máy điều hòa không khí, các cửa hàng mua