được từ nước ngoài những người như Bill Gates, Steve Jobs, Sergey Brin,
Larry Page, Jeff Bezos và hàng trăm nhà khoa học đã tạo ra những phát
minh cơ bản trong công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, công nghệ
sinh học và các lĩnh vực khác để từ đó các nghiệp chủ này xây dựng hoạt
động kinh doanh của họ. Nguồn cung nhân tài được khai thác ở Mỹ vì hầu
hết thanh thiếu niên ở đây đều được tiếp cận giáo dục theo ý muốn hay theo
khả năng hấp thu của họ. Bây giờ hãy tưởng tượng một xã hội khác, như
Congo hay Haiti, nơi mà phần lớn dân chúng không có phương tiện để đi
học, hay nơi mà nếu dân chúng có thể xoay sở để đi học, thì chất lượng
giảng dạy cũng thật đáng thương, nơi không có giáo viên đến dạy, hay thậm
chí nếu họ có đến, cũng không chắc có sách vở.
Trình độ học vấn thấp của các nước nghèo là do các thể chế kinh tế
không tạo ra động cơ khuyến khích phụ huynh cho con em ăn học và do
các thể chế chính trị không làm cho chính phủ xây dựng, tài trợ, hỗ trợ nhà
trường và hỗ trợ mong muốn của phụ huynh và học sinh. Cái giá mà những
nước này phải trả cho trình độ học vấn thấp của dân chúng và sự thiếu vắng
các thị trường dung hợp thật là đắt đỏ. Họ không thể huy động được nguồn
nhân tài mới phôi thai của mình. Họ có nhiều Bill Gates tiềm năng và có lẽ
có một hay hai Albert Einsteins hiện đang làm việc như những nhà nông
lam lũ không có học vấn, bị buộc phải làm những việc họ không muốn làm
hay phải giạt vào quân đội, vì họ không bao giờ có cơ hội hiện thực hóa
thiên hướng nghề nghiệp trong đời.
Khả năng của các thể chế kinh tế nhằm khai thác tiềm năng của các thị
trường có tính dung hợp, khuyến khích phát minh đổi mới công nghệ, đầu
tư vào nhân lực, huy động nhân tài và kỹ năng của đông đảo dân chúng là
vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Giải thích lý do tại sao
nhiều thể chế kinh tế không thể đáp ứng được các mục tiêu đơn giản đó là
chủ đề trọng tâm của quyển sách này.