CÁC THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ CHIẾM ĐOẠT VÀ
DUNG HỢP
Tất cả các thể chế kinh tế đều do xã hội tạo ra. Ví dụ, các thể chế kinh
tế của Bắc Triều Tiên được thực thi đối với dân chúng từ khi Đảng Cộng
sản tiếp quản đất nước vào thập niên 1940, trong khi các thể chế của thuộc
địa châu Mỹ La-tinh được áp đặt bởi những kẻ chinh phục người Tây Ban
Nha. Nam Triều Tiên rốt cuộc có những thể chế kinh tế rất khác so với Bắc
Triều Tiên vì dân chúng khác nhau với các quyền lợi và mục tiêu khác
nhau, đã đi đến quyết định về cách thức cơ cấu xã hội khác nhau. Nói cách
khác, Nam Triều Tiên có nền chính trị khác.
Chính trị là quá trình trong đó xã hội chọn các luật lệ để cai trị xã hội.
Chính trị bao quanh các thể chế, bởi lý do đơn giản là: tuy các thể chế dung
hợp có thể tốt đối với sự thịnh vượng kinh tế của một quốc gia, một số
người hay nhóm người, như giới quyền thế ở Bắc Triều Tiên hay các chủ
đồn điền mía đường ở thuộc địa Barbados, sẽ khấm khá hơn nhiều thông
qua việc thiết lập các thể chế có tính chiếm đoạt. Khi có sự xung đột thể
chế, điều xảy ra sẽ phụ thuộc vào việc những người nào hay nhóm người
nào sẽ thắng thế trong trò chơi chính trị - ai có thể giành được nhiều ủng hộ
hơn, thu được nhiều nguồn lực hơn, và hình thành các liên minh hữu hiệu
hơn. Nói vắn tắt, việc ai thắng ai sẽ phụ thuộc vào sự phân phối quyền lực
chính trị trong xã hội.
Các thể chế chính trị của xã hội là yếu tố then chốt quyết định kết quả
của cuộc chơi này. Đó là những luật lệ điều khiển các động cơ khuyến
khích trong chính trị. Các thể chế chính trị sẽ quyết định cách thức chính
phủ được chọn như thế nào và bộ phận nào của chính phủ có quyền làm
điều đó. Các thể chế chính trị sẽ quyết định ai có quyền lực trong xã hội và
quyền lực đó có thể được sử dụng vào mục đích gì. Nếu quyền lực được
phân phối một cách hạn hẹp trong một số ít người và không bị giới hạn, thì
các thể chế chính trị có tính chất chuyên chế, điển hình như các nền quân