nhà nước không thể đạt được sự tập trung chính trị, xã hội chẳng mấy chốc
sẽ rơi vào hỗn loạn, như ở Somalia.
Chúng ta sẽ gọi những thể chế chính trị có tính tập trung và đa nguyên
là những thể chế chính trị dung hợp. Khi một trong hai điều kiện này không
được đáp ứng, chúng ta sẽ gọi đó là các thể chế chính trị chiếm đoạt.
Giữa các thể chế kinh tế và các thể chế chính trị có sự hòa hợp mạnh
mẽ. Các thể chế chính trị chiếm đoạt tập trung quyền lực vào tay một nhóm
thiểu số quyền thế và việc sử dụng quyền lực này gần như không có giới
hạn. Khi đó, các thể chế kinh tế thường được giới quyền thế này cơ cấu sao
cho họ có thể bòn rút nguồn lực từ phần còn lại của xã hội. Vì thế, các thể
chế kinh tế chiếm đoạt tự nhiên sẽ đi đôi với các thể chế chính trị chiếm
đoạt. Trên thực tế, các thể chế kinh tế chiếm đoạt vốn dĩ phụ thuộc vào các
thể chế chính trị chiếm đoạt để tồn tại. Các thể chế chính trị dung hợp sẽ
phân phối quyền lực rộng rãi và có xu hướng nhổ bật gốc rễ những thể chế
kinh tế tước đoạt nguồn lực từ nhiều người bằng cách dựng lên các hàng
rào cản trở tham gia thị trường và ức chế sự vận hành thị trường để chỉ làm
lợi cho một số ít người.
Ví dụ, ở Barbados, hệ thống đồn điền dựa vào sự bóc lột nô lệ hẳn sẽ
không thể tồn tại nếu không có các thể chế chính trị giúp đàn áp và loại trừ
hoàn toàn người nô lệ ra khỏi quá trình chính trị. Người ta cũng không thể
hình dung nổi một hệ thống kinh tế làm bần cùng hóa hàng triệu người vì
lợi ích của một nhóm quyền thế thu hẹp ở Bắc Triều Tiên nếu như không có
sự thống lĩnh chính trị hoàn toàn của họ.
Mối quan hệ hòa hợp giữa các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt
mang lại một vòng lặp phản hồi mạnh mẽ: các thể chế chính trị giúp giới
quyền thế kiểm soát quyền lực chính trị chọn lựa những thể chế kinh tế
không có các áp lực ràng buộc hay đối lập. Các thể chế này cũng giúp giới
quyền thế cơ cấu các thể chế chính trị tương lai và sự tiến hóa của thể chế.
Đến lượt mình, các thể chế kinh tế chiếm đoạt sẽ làm giàu cho chính giới