ảnh hưởng đến kết quả chính trị đi ngược lại mong muốn của những nhóm
khác. Ở Anh, công nghiệp hóa vẫn diễn ra, bất chấp sự chống đối của
luddites, bởi vì sự chống đối của giới quý tộc, cho dù thực tế, đã im hơi
lặng tiếng. Ở Đế quốc Áo-Hung và Đế quốc Nga, nơi mà nền quân chủ
chuyên chế và giới quý tộc có nhiều thứ để mất hơn, công nghiệp hóa đã bị
ngăn chặn. Vì thế, nền kinh tế Áo-Hung và Nga bị chậm lại. Họ tụt lại sau
các quốc gia châu Âu khác, khi tăng trưởng kinh tế ở các nước này cất cánh
trong thế kỷ 19.
Bất chấp thành công và thất bại của các nhóm cụ thể, chúng ta có một
bài học rõ ràng: các nhóm quyền lực thường chống lại tiến bộ kinh tế và
chống lại động cơ của thịnh vượng. Tăng trưởng kinh tế không chỉ là một
quá trình của nhiều máy móc tốt hơn và nhiều người có trình độ học vấn
cao hơn, mà còn là một quá trình biến đổi và làm mất ổn định gắn liền với
sự phá hủy sáng tạo lan rộng. Vì thế, tăng trưởng chỉ tiến lên nếu không bị
ngăn chặn bởi những người thiệt thòi về kinh tế, thấy trước rằng đặc quyền
kinh tế của họ sẽ mất đi, và bởi những kẻ thua cuộc về chính trị, lo sợ
quyền lực chính trị của họ sẽ bị xói mòn.
Xung đột về nguồn lực khan hiếm, về thu nhập và quyền lực sẽ
chuyển hóa thành xung đột về quy tắc của cuộc chơi, về những thể chế kinh
tế quyết định các hoạt động kinh tế và quyết định ai sẽ hưởng lợi từ đó. Khi
có xung đột, mong muốn của tất cả các bên không thể cùng được đáp ứng.
Một số người sẽ bị đánh bại và thất vọng, trong khi những người khác
thành công trong việc bảo toàn những kết quả họ mong muốn. Vấn đề ai là
người chiến thắng trong cuộc xung đột này sẽ có ý nghĩa và tác động cơ
bản đối với quỹ đạo kinh tế của đất nước. Nếu những nhóm chống lại tăng
trưởng chiến thắng, họ có thể ngăn chặn tăng trưởng kinh tế một cách hữu
hiệu, và nền kinh tế sẽ trì trệ.
Lôgic về lý do khiến giới quyền thế không nhất thiết muốn thiết lập
những thể chế kinh tế thúc đẩy thành công kinh tế có thể dễ dàng được mở