không một nhóm nào có thể áp đặt nguyện vọng của họ lên nhóm khác. Do
đó, tình trạng thiếu tập trung chính trị cứ tồn tại một cách dai dẳng.
NỖI KHỔ TRIỀN MIÊN CỦA CONGO
Khi bàn về những áp lực khiến thịnh vượng kinh tế trở nên vô cùng
hiếm hoi trong các thể chế chiếm đoạt, hay để minh họa cho sự hòa hợp
giữa các thể chế kinh tế và chính trị chiếm đoạt, chắc là khó có thể tìm thấy
ví dụ nào điển hình hơn và nản lòng hơn Congo. Du khách Bồ Đào Nha và
Hà Lan đến Kongo vào thế kỷ 15 và 16 đã nhận xét về sự “nghèo khổ bất
hạnh” ở đó. Công nghệ còn thô sơ theo chuẩn mực châu Âu, người Kongo
không có chữ viết, bánh xe hay cày bừa. Lý do của sự đói nghèo này, và sự
miễn cưỡng không muốn áp dụng các công nghệ tốt hơn khi họ nhận thức
về chúng thể hiện rõ ràng trong các tư liệu lịch sử hiện có. Đó là do bản
chất chiếm đoạt của các thể chế kinh tế của đất nước.
Như ta đã thấy, Vương quốc Kongo được cai trị bởi nhà vua ở
Mbanza, sau này là São Salvador. Những vùng đất ở xa kinh đô được cai trị
bởi giới quyền thế đóng vai trò thống sứ của các vùng đất khác nhau trong
vương quốc, của cải của giới quyền thế này dựa vào các đồn điền nô lệ
xung quanh São Salvador và bòn rút thuế khóa từ phần còn lại của đất
nước. Chế độ nô lệ đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế, được giới
quyền thế sử dụng để cung cấp nô lệ cho các đồn điền riêng của họ và được
người châu Âu sử dụng ở ven biển. Thuế khóa có tính chất tùy tiện; thuế
thậm chí được thu mỗi khi chiếc mũ của nhà vua rơi xuống. Để trở nên
thịnh vượng hơn, dân chúng Kongo sẽ phải tiết kiệm và đầu tư, ví dụ như
thông qua việc mua cày bừa. Nhưng họ sẽ cảm thấy không đáng để làm thế,
vì bất kỳ sản lượng dôi dư nào họ sản xuất ra bằng công nghệ tốt hơn cũng
đều bị nhà vua và giới quyền thế chiếm đoạt. Thay vì đầu tư để gia tăng
năng suất và bán sản phẩm ra chợ, người Kongo dời làng ra xa chợ; họ cố
gắng càng ở xa đường càng tốt, để đỡ bị cướp bóc và trốn khỏi tầm tay của
những kẻ buôn nô lệ.