Do đó, đói nghèo của Kongo là hậu quả của những thể chế kinh tế
chiếm đoạt đã ngăn chặn các động cơ của thịnh vượng và thậm chí còn làm
cho những động cơ này quay theo chiều ngược lại. Chính phủ Kongo cung
cấp rất ít dịch vụ công cho dân chúng, thậm chí không có cả những dịch vụ
cơ bản như các quyền sở hữu bảo đảm hay luật pháp và trật tự. Thậm chí
ngược lại, bản thân chính phủ còn là mối đe dọa lớn nhất đối với tài sản và
nhân quyền của dân chúng. Thể chế nô lệ có nghĩa là thị trường cơ bản
nhất, thị trường lao động có tính dung hợp - trong đó dân chúng có thể chọn
nghề nghiệp hay việc làm phù hợp nhất để mang lại một nền kinh tế thịnh
vượng, không hề tồn tại. Hơn nữa, các hoạt động thương mại và trao đổi
hàng hóa đường dài được nhà vua kiểm soát và chỉ dành cho những kẻ liên
kết với nhà vua. Cho dù giới quyền thế nhanh chóng trở nên biết chữ sau
khi người Bồ Đào Nha du nhập chữ viết, nhà vua không cố gắng truyền bá
chữ viết cho đại đa số dân chúng.
Tuy nhiên, cho dù “nghèo khổ bất hạnh” lan tràn khắp nơi, các thể chế
chiếm đoạt của Kongo có lôgic hoàn hảo riêng của chúng: các thể chế đó
làm cho một số ít người, những người có quyền lực chính trị, trở nên rất
giàu có. Vào thế kỷ 16, vua Kongo và giới quý tộc có thể nhập khẩu hàng
hóa xa xỉ của châu Âu và được hầu hạ bởi nhiều tùy tùng và nô lệ.
Gốc rễ của các thể chế kinh tế của xã hội Kongo nằm ở sự phân phối
quyền lực chính trị trong xã hội và vì thế cũng nằm ở bản chất của các thể
chế chính trị. Ngoài mối đe dọa bạo loạn, không có gì ngăn chặn nhà vua
chiếm đoạt tài sản hay ngay chính thân xác của dân chúng. Cho dù mối đe
dọa này là thực tế, nó vẫn không đủ để làm dân chúng hay tài sản của họ
được đảm bảo. Các thể chế chính trị của Kongo thật sự chuyên chế nên
quyền lực của nhà vua và giới quyền thế thực chất là vô hạn, và cách tổ
chức xã hội đã khước từ mọi thứ đối với dân chúng.
Lẽ dĩ nhiên, không khó để thấy rằng các thể chế chính trị của Kongo
tương phản rõ rệt với các thể chế chính trị dung hợp, trong đó quyền lực