chế kinh tế và chính trị dung hợp trong khi những quốc gia khác không làm
điều đó.
TẠO RA CÁC THỂ CHẾ DUNG HỢP
Nước Anh độc đáo so với các nước khác khi họ đạt được sự đột phá về
tăng trưởng kinh tế bền vững vào thế kỷ 17. Những thay đổi kinh tế to lớn
được dẫn đường bằng một cuộc cách mạng chính trị mang lại một tập hợp
thể chế kinh tế và chính trị khác biệt, mang tính dung hợp hơn nhiều so với
xã hội trước đây. Các thể chế này chẳng những có ý nghĩa sâu sắc đối với
các động cơ kinh tế và sự thịnh vượng, mà còn tác động đến vấn đề ai là
người gặt hái lợi ích của sự phồn vinh. Các thể chế này không dựa vào sự
đồng thuận, mà đúng ra, đó là kết quả của sự xung đột mãnh liệt khi các
nhóm khác nhau tranh giành quyền lực, tranh đoạt thẩm quyền của những
nhóm khác và ra sức cơ cấu các thể chế nghiêng về phía mình. Đỉnh cao
của các cuộc chiến tranh thể chế vào thế kỷ 16 và 17 là hai sự kiện bước
ngoặt: cuộc nội chiến Anh từ năm 1642 đến 1651, và đặc biệt là cuộc Cách
mạng Vinh quang năm 1688.
Cuộc Cách mạng Vinh quang đã hạn chế quyền lực của nhà vua và
nhánh hành pháp, cũng như giao cho Quốc hội thẩm quyền quyết định các
thể chế kinh tế. Đồng thời, Cách mạng cũng mở rộng hệ thống chính trị cho
toàn thể xã hội tham gia, những người có thể phát huy ảnh hưởng đáng kể
đối với đường lối điều hành nhà nước. Cuộc Cách mạng Vinh quang là nền
móng để tạo ra một xã hội đa nguyên, xây dựng và tăng tốc quá trình tập
trung hóa chính trị. Cuộc cách mạng này đã tạo ra hệ thống thể chế chính
trị dung hợp đầu tiên trên thế giới.
Như một hệ quả, các thể chế kinh tế cũng bắt đầu trở nên dung hợp
hơn. Ở Anh vào đầu thế kỷ 17 không có sự tồn tại của nô lệ mà cũng chẳng
có sự hạn chế kinh tế hà khắc của thời phong kiến Trung cổ như chế độ
nông nô. Tuy thế vẫn còn nhiều hạn chế đối với những hoạt động kinh tế