Tiến bộ công nghệ, động lực của doanh nghiệp để mở rộng và đầu tư,
và việc sử dụng hiệu quả các kỹ năng và tài năng đều trở nên khả thi thông
qua các thể chế kinh tế dung hợp đã được xây dựng ở Anh. Đến lượt mình,
các thể chế kinh tế dung hợp này được hình thành trên các thể chế chính trị
dung hợp.
Nước Anh xây dựng các thể chế chính trị dung hợp nhờ vào hai yếu
tố. Thứ nhất là các thể chế chính trị, bao gồm một nhà nước tập quyền, giúp
đất nước thực hiện bước tiến triệt để tiếp theo - mà thật ra là một bước tiến
chưa từng thấy - hướng tới các thể chế dung hợp khi cuộc Cách mạng Vinh
quang nổ ra. Tuy yếu tố này làm nước Anh trở nên khác biệt so với phần
lớn thế giới, nó không làm đất nước trở nên khác biệt đáng kể so với các
nước Tây Âu khác như Pháp và Tây Ban Nha. Quan trọng hơn là yếu tố thứ
hai. Những biến cố dẫn đến cuộc Cách mạng Vinh quang đã hun đúc nên
một liên minh rộng lớn và hùng mạnh, có thể áp đặt giới hạn chắc chắn đối
với quyền lực của nền quân chủ và của nhánh hành pháp, những thể chế
buộc phải tiếp nhận nhu cầu của liên minh này. Điều này lát đường cho các
thể chế chính trị đa nguyên, mà sau đó cho phép các thể chế kinh tế đặt nền
tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp đầu tiên phát triển.
NHỮNG KHÁC BIỆT NHỎ NHẶT CÓ Ý
NGHĨA
Sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới ngày càng gia tăng sau cuộc
Cách mạng công nghiệp ở nước Anh vì chỉ có một vài nơi trên thế giới áp
dụng các phát minh và công nghệ mới mà những người như Arkwright,
Watt và nhiều người sau đó đã tạo ra. Phản ứng của các quốc gia khác nhau
trước làn sóng công nghệ này, làn sóng quyết định họ sẽ suy tàn trong
nghèo đói hay đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, chủ yếu được định
hình bởi con đường phát triển thể chế khác nhau trong lịch sử của đất nước
họ. Cho đến giữa thế kỷ 18, đã có những khác biệt nổi bật về thể chế chính