trị và kinh tế trên khắp thế giới. Nhưng những khác biệt này xuất phát từ
đâu?
Năm 1688, các thể chế chính trị của Anh tiếp tục lộ trình ngày càng
trở nên đa nguyên hơn so với ở Pháp và Tây Ban Nha, nhưng nếu ta đi
ngược thời gian trở về 100 năm trước đây, năm 1588, sự khác biệt này
dường như không có gì đáng kể. Cả ba nước đều được cai trị bằng chế độ
quân chủ chuyên chế: Nữ hoàng Elizabeth I ở Anh, Philip II ở Tây Ban
Nha và Henry III ở Pháp. Cả ba nước đều đấu tranh với các hội đồng lập
pháp của nhân dân - như Quốc hội Anh, Quốc hội Tây Ban Nha (Cortes) và
Quốc hội phong kiến Pháp (Estates-General) - đang đòi hỏi nhiều quyền
hơn và đòi kiểm soát nền quân chủ. Các hội đồng lập pháp này có quyền
lực và phạm vi ít nhiều khác nhau. Ví dụ, Quốc hội Anh và Quốc hội Tây
Ban Nha có quyền đối với hệ thống thuế khóa, trong khi Quốc hội phong
kiến Pháp không có. Ở Tây Ban Nha, điều này không quan trọng lắm, vì
sau năm 1492, vua Tây Ban Nha đã có thuộc địa châu Mỹ rộng lớn và thu
lợi khổng lồ từ vàng bạc khai thác ở đó. Ở Anh thì khác. Nữ hoàng
Elizabeth I kém độc lập về tài chính hơn, nên bà phải xin Quốc hội tăng
thêm thuế. Đổi lại, Quốc hội yêu cầu Nữ hoàng phải nhượng bộ, cụ thể là
hạn chế quyền tạo ra các hoạt động độc quyền của Nữ hoàng. Đó là sự
xung đột mà Quốc hội đã dần dần chiến thắng. Ở Tây Ban Nha, Quốc hội
Cortes đã thua trong cuộc xung đột tương tự. Hoạt động thương mại không
chỉ có tính độc quyền, mà còn bị độc quyền hóa bởi chính nền quân chủ
Tây Ban Nha.
Những điểm khác biệt này, thoạt đầu xem ra nhỏ bé, bắt đầu trở nên
quan trọng hơn nhiều vào thế kỷ 17. Cho dù châu Mỹ được khám phá vào
năm 1492 và Vasco da Gama đã đến Ấn Độ bằng cách đi vòng qua Mũi
Hảo Vọng ở cực nam châu Phi vào năm 1498, nhưng mãi đến sau năm
1600 thì sự mở rộng thương mại thế giới mới bắt đầu diễn ra, đặc biệt là ở
Đại Tây Dương. Năm 1585, quá trình thuộc địa hóa Bắc Mỹ của người Anh
bắt đầu trước tiên ở Roanoke, nơi hiện nay là Bắc Carolina. Năm 1600,